Monday, January 25, 2016

QUYỂN III

.
I – LIỆU THẾ GIẶC


Sách Võ kinh:

Võ vương hỏi: Làm thế nào mà biết được thực hư ở trong lũy địch?1.

Thái công nói: Lên cao trông xuống để biết sự biến động: nghe trống không kêu, mõ không tiếng, xem ở trên lũy thấy nhiều chim bay mà không sợ, thấy trên lũy không có khói, biết đó hẳn là địch trá để lừa ta.

Thái công nói: Quân địch mới họp có thể đánh; người ngựa đến ăn có thể đánh; thời trời không thuận có thể đánh; địch đương bôn tẩu có thể đánh; không đề phòng có thể đánh; mỏi mệt có thể đánh; tướng lìa quân sĩ có thể đánh; lặn lội đường dài có thể đánh; qua sông có thể đánh; không rỗi có thể đánh; bị ngăn trở ở đường hẹp có thể đánh; quân đi loạn hàng có thể đánh; lòng sợ hãi có thể đánh.

Nghe chiêng trống, xem hàng ngũ mà biết được tài; lấy thua mà dụ, lấy lợi mà nhủ để biết được tình; làm động lòng cho sợ, quấy rối cho lúng túng để biết được thái độ; đó là xét ở việc. Niềm nghĩ dấy lên thì ta phải biết; mưu kế đặt ra thì ta phải rõ: trí mà có thể che được, xảo mà có thể giấu được, lòng ta phải xét; đó là xét ở ý. Nếu như ý chưa dấy mà điều nghĩ trước đổi cả, ta biết lòng địch để biết địch, địch nghĩ sau lòng ta mà suy ra, thì mưu có thể gieo vào được.

Tranh chiến tức là tranh việc; quân tranh giao chiến, tướng tranh mưu kế, tướng tướng tranh cơ với nhau. Phàm người ta mà biết, không tranh sức mà phải tranh lòng, không tranh ở người mà tranh ở mình. Phàm người ta mà biết, không tranh ở việc làm mà tranh ở đạo, không tranh công mà tranh ở chỗ không công. Công ở chỗ không công mới là công lớn, tranh ở chỗ không tranh mới là giỏi tranh.

Thế có lúc không thể đánh ngay được, thì nên kéo dài; thế địch rất sắc, tạm phải chờ nó lơ là; địch đến rất nhiều, tạm phải chờ nó trễ nải; gọi quân chưa đến phải chờ tập họp được; người mới phụ chưa hiệp phải chờ cho họ tin; mưu kế chưa nên phải chờ cho nó lớn mạnh lên; thời chưa đánh được thì tạm dừng đánh, vì kẻ vụng quý ở giữ. Kéo dài là thế phải đánh mà cứ chần chừ... Động phải là không thua; quân ra phải là vạn toàn; việc binh không có làm thử.
_________________________________
1.
Xem Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”.


*
*   *

Thế đã nên, cơ đã đến, người đã tập hợp mà lại dùng dằng kéo dài, đó là làm biếng quân vậy. Quân tướng lười, thời sắp không lợi, nước sắp khốn, cầm quân trên cõi mà không quyết chiến, đó là làm mê quân vậy.

Ta có chí mà chậm thì người sẽ tính trước ta; thấy mà không quyết định thì người sẽ phát trước ta. Ta phát mà không nhanh thì người sẽ thắng trước ta. Khó được ấy là thời, dễ mất ấy là cơ, nên phải làm nhanh vậy.

Quá nữa, địch không thể đánh chớp nhoáng mà thắng được, thì ta phải dùng cách giằng co; giằng co ở phía trước thì địch không thể vượt được; giằng co ở phía sau thì không ai dám chống, dám ra. Địch mạnh mà cô thế, thì giằng co cả đầu và đuôi, khiến nó chạy vạy mỏi mệt; địch giỏi mà tiến trước, thì ta phải gieo vào đoạn giữa, khiến cho đầu đuôi không thể ứng nhau, thế lớn mà rộng, quân nhiều mà tản, lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ kia, làm cho nó hợp thì khó mà tụ được, chia thì khó mà giữ được. Ta bèn gồm quân lại, nhắm thẳng một hướng mà có thể thắng vậy.

Hoạt động gấp sức thì không việc gì là không tốt.

Người tất thắng, có khi do dũng mà thắng; có khi do trí mà thắng, có khi do đức mà thắng; có khi nhiều lần thắng; có khi một lần thắng. Thắng được người dũng là do trí. Thắng được người trí là do vụng. Thắng được đức thì cần phải sửa mình. Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần mà cần toàn thắng, cần bảo đảm thắng. Nếu nhòm lợi nhỏ thì chỉ khêu giận cho địch, làm bền chí địch, làm kiêu khí của quân ta mà khinh tiến, làm nhụt chí của quân ta mà sơ hở. Thế là bất thắng.

*
*   *


Sách Kinh thế:

Khó khăn về sức thì mượn sức của địch; không thể giết được thì mượn gươm của địch; không có của thì mượn của của địch; không có sản vật thì mượn sản vật của địch; ít quân tướng thì mượn quân tướng của địch; không đủ mưu trí thì mượn mưu trí của địch. Ta muốn làm mà dụ địch để sai khiến, đó là ta mượn sức của địch vậy. Ta muốn giết mà lừa cho địch giết, đó là ta mượn gươm của địch vậy. Yên giữ được cái sở hữu, thì làm tan được tải sản của địch. Khiến nó tự đánh nhau, đó là ta mượn quân của địch. Đảo việc làm của nó làm việc làm của ta, nhân kế nó để thành kế của ta, đó là ta mượn mưu trí của địch. Không phải tự ta làm, cứ ngồi mà được việc. Ta không ra tay được, thì mượn tay người khác. Thậm chí có khi lấy địch mà mượn địch. Mượn địch của địch, khiến địch không biết mà cuối cùng để cho ta mượn; phỏng khiến địch đã biết mà không thể không để cho ta mượn, thì đó là cách mượn khéo vậy.


*
*   *

Trì (Cầm).

Theo đạo trời thì nổi lên sau là thắng. Việc binh nên đánh vào chỗ dễ mà không đánh vào chỗ khó. Uy dữ thì tan, sắc nhọn thì gãy. Cho nên địch đem quân đến, thế không thể ở lâu được thì ta cầm. Thế bách, kíp muốn thắng ngay, thì ta cầm. Địch đánh có lợi, ta đánh không lợi, thì ta cầm. Thời nên giữ yên, động trước thì nguy, thì ta cầm. Hai kẻ địch đánh nhau, hẳn có người thương bại, thì ta cầm. Có quân mà nghi nhau, hẳn đến mưu hại nhau, thì ta cầm. Địch tuy có trí năng, nhưng trong có kẻ cản trở, thì ta cầm. Nó ở thế hiểm, ta ở thế yên, thì ta cầm. Nó đói mà ta no, thì ta cầm. Nó nhọc mà ta rỗi, thì ta cầm. Thiên thời sắp hại, địa nạn sắp hãm, nhuệ khí sắp nhụt, thì ta cầm. Cầm cho nó đã mệt, bấy giờ ta nổi dậy mà đánh, thì sức vẹn mà công nhiều. Đáng gấp thì thừa cơ, lợi hoãn thì cầm lại. Kéo dài để bền sức mình, cầm lâu để làm khốn địch. Dùng sau làm trước, đó là điều bí của phép binh.


Hỗn (Lộn sòng).

Lộn sòng vào chỗ hư, thì địch không biết đâu mà đánh. Lộn sòng vào chỗ thực, thì địch không biết đâu mà lánh. Lộn sòng kỳ với chính, thì địch không biết biến hóa làm sao. Lộn sòng với quân, lộn sòng với tướng, thì địch không biết đâu mà nhận cho đúng. Lộn sòng tướng địch để lừa quân. Lộn sòng quân địch để lừa tướng. Lộn sòng quân và tướng địch để lừa thành dinh. Cùng một cờ xí với nó; cùng một áo giáp với nó; cùng một trang phục với nó; giả làm tướng mạo như nó, thừa cơ chui vào, phát tự lòng bụng nó, đánh ở bên trong nó, ta tự phân biệt mà nó không thể phân biệt được, đó là giỏi lộn sòng vậy.


*
*   *

Địch nhàn thì làm cho nó nhọc, có hai thuật: Đêm đánh trống nghiêm quân như là sắp ra trận, đến sáng thì nghỉ, chờ nó trễ nải thì chợt ra; chuẩn bị tối để đánh ban ngày, chuẩn bị ban ngày để đánh tối, đổi thay mà xung đột, không cho nó nghỉ ngơi. Thế.gọi là quấy rối rõ1. Hoặc mộ quân mặc giả hiệu áo địch, nhân lúc nó trễ mà cướp dinh, thừa gió mà nổ súng, chợt nổi mà chém giết, chợt dừng mà im lặng, làm cho hô thì tan, gọi thì họp, muôn người như một, tối đi sớm về, ra phương đông vào phương tây, ngờ thần ngờ quỷ, không tiếng tăm, không dấu vết. Thế gọi là quấy rối ngầm.

Địch no thì làm cho đói, có hai thuật: Địch có thuyền lương, mộ người dùi cho chìm. Địch giữ kho chứa, dừng gian mà lấy. Xe lương thì bắt, dùng thuốc súng đốt đi. Thế gọi là hại rõ. Đánh thuốc độc vào nước suối để cho người bị khát; đánh thuốc độc vào rơm cỏ để cho ngựa bị đói; đổ đất vào bao và đong cát để giả tiếng2. Thế gọi là hại ngầm. Tuy thế, không thể không giữ tĩnh vậy. Giữ trận ngồi yên, Từ-thành3 không sao lường được. Gà chó không tiếng, quân Kim thua chạy ở Thuận-xương4. Ngỡ đêm không đi, kẻng canh không điểm. Ồn ào thì dễ sợ, yên lặng thì chẳng khi nào là không thắng. Tuy thế, không thể không nhàn rỗi vậy. Tới quân địch mà vội vàng nóng nẩy thì nó thừa được. Rửa cửa quét nhà thì địch mạnh phải sợ. Uống rượu đánh bạc ở Chiên-uyên5, cởi áo ở Tân-đình6, ở ngoài cỏ dư, cơ hội nào cũng là ứng được. Tuy thế, không thể không nghỉ ngơi vậy. Không mất tiết độ ăn uống, không tuyệt sức người và ngựa, không liều rét nóng quá mức. Xin nói về điều cốt yếu. Cần để cho thân thể nghỉ ngơi địch thiếu mà ta thừa, thế cách nhau kể gấp trăm. Tuy vậy, không thể cứ ngồi chờ. Hán vì giữ được Hưng-thế7 nên Tào Sảng không thể tiến. Đường chẹt được Hổ-lao8 nên quân Hạ phải lùi. Ngô Giới giữ được đồn Đại-tán9 nên Ba-hán được toàn. Thực vì mất Âm-bình10 nên Thành-đô bị đổ. Yên mất Đại-nghiễn11 nên Quảng-cố mất. U bỏ Du-quan12 nên ngựa Hồ vào chăn. Vì không giữ được Thái-thạch13 nên Hầu Cảnh quẫn. Vì thả cho địch qua sông Hoàng-hà mà giặc Kim vỗ bung cười, ăn năn không kịp. Không quên việc kiến đắp thành, bỏ chỗ dễ mà làm chỗ khó, xe trước đã bị đổ nhiều rồi. Tuy vậy không thể không cầm giữ vậy.
_________________________________
1.
Quấy rối rõ: Tức là quấy rối một cách rõ ràng, trái với quấy rối ngầm là quay rối một cách ngầm kín.
2.   - Bao đất: Tổ Địch, thứ sử Đại-châu của nhà Tấn, sai tướng trấn Đông-đài, rồi cho lấy đất đựng vào bao giả làm gạo, sai một nghìn quân chở lên đài để cho địch tưởng rằng quân mình no nê lắm.
      - Đong cát: Đàn Đạo-tế là tướng nhà Tống, đời Nam Bắc triều đánh nhau với quân Ngụy, thiếu lương, đêm sai quân đong cát, rồi lấy ít gạo còn lại đổ lên trên. Sáng ngày địch thám thấy, tưởng quân Đạo-tế còn nhiều lương, nên không truy bức nữa.

3. Từ-thành: Tổ Đĩnh người Bắc Tề, làm thứ sử Từ-châu, khi ấy người nước Trần đến đánh, nhân dân nhiều người làm phản. Đĩnh sai không đóng cửa thành, người coi thành đều xuống cả dưới thành ngồi im lặng, đường thì cấm người đi lại. Địch không hiểu thế nào, tưởng là người chạy đi hết bỏ thành không, không phòng bị. Thốt nhiên Đĩnh đem quân xông ra hò hét, quân địch kinh hãi chạy tan.
4. Thuận-xương: Tên đất, thuộc tỉnh An-huy, Trung-quốc, Lưu Ỷ đời Tống Cao-tôn đánh phá Kim thái tử là Ngột-truật ở đấy. Khi hai quân cầm cự nhau ở thành Thuận-xương, Ngột-truật đêm sai người đến gần thành nghe ngóng, thấy trong thành im lặng không có tiếng gà chó.
5. Chiên-uyên: Tên châu, thuộc tỉnh Trực-lệ, Trung-quốc. Tống Chân-tôn năm Cảnh-đức thứ 1, Khiết-đơn đem quân sang xâm lấn, Khấu Chuẩn yêu cầu vua thân đi đánh và ra Chiên-uyên. Quân lính thấy vua đến, đều hoan hô vang mấy dặm đường, đánh giết quân Khiết-đơn quá nửa. Vua về hành cung, giao cho Khấu Chuẩn ở đấy đánh dẹp. Nhưng sai người dò xem Khấu Chuẩn làm gì, thì chỉ thấy Chuẩn và Dương Úc hàng ngày uống rượu đánh bạc mà thôi. Hai quân cầm cự nhau hơn 10 ngày, quân của Chuẩn bắn chết thống tướng của Khiết-đơn là Khát-lẫm. Khiết-đơn xin hòa.
6. Tân-đình: Cũng có tên là Lao – Lao-đình, thời Ngô làm ở trên núi Lao-lao, nay thuộc tỉnh Giang-tô, Trung-quốc. Thời Nam Tống, Lưu Dụ, Vương Hưu phạm phản, Tiêu Đạo-thành (sau là Nam Tề Cao đế) đem quân đi đánh. Khi đến Tân-đình, thành lũy chưa đắp xong mà quân của Hưu-phạm đã đến Tân-lâm. Đạo-thành cởi áo nằm khềnh ở Tân-đình để yên lòng quân.
7. Hưng-thế: Tên núi, thuộc tỉnh Thiểm-tây, Trung-quốc. Ngụy Phế đế năm Chính-thủy thứ 5, Tào Sảng đem 6, 7 vạn quân sang đánh Thục. Thục đóng quân ở núi Hưng-thế, quân Sảng không tiến được, phải đem quân về. (Tam quốc chí, Ngụy thư, Truyện Tào Sảng).
8. Hổ-lao: Tên đất, tức là Thành-cao sau này, thuộc tỉnh Hà-nam, Trung-quốc.
9. Đại-tán: Tên một quan ải, tức là Đại-tán quan, thuộc tỉnh Thiểm-tây, Trung-quốc, ở chỗ đường quan yếu của Tần Thục qua lại. Đời Tống Cao-tôn, người Kim đến xâm lấn đất Hán-dương. Ngô Giới đem quân đến đóng giữ ở Đại-tán quan, bảo toàn được đất Ba-thục (Tống sử, Truyện Ngô Giới).
10. Âm-bình: Hán đặt làm huyện, Ngụy đổi làm quận, thuộc đất Chi (Tây-nhung), thành cũ thuộc tỉnh Cam-túc. Khi Ngụy đánh Thục, Đặng Ngải do đường Âm-bình tiến quân, Thục Hậu chúa phải hàng.
11. Đại-nghiễn: Tên núi, thuộc tỉnh Sơn-đông, Trung-quốc. Nam Yên Mộ-dung Đức đóng đô ở Quảng-cố. Thời Đông Tấn. Lưu Dụ đem quân đánh Nam Yên, khi đi qua núi Đại-nghiễn rồi, vẻ mừng hiện ra mặt, quả nhiên diệt được Nam Yên.
12. Du-quan: Tên cửa ải, tức là Sơn-hải quan ngày nay, tại tỉnh Hà-bắc, Trung-quốc.
13. Thái-thạch: Tên bến, tức là bến Ngưu-chử, thuộc tỉnh An-huy, Trung-quốc.

*
*   *

Sách Võ kinh:

Võ-hầu
1 hỏi về phép có thể đánh địch.

Khởi
2  thưa: Dùng binh phải biết rõ tình hình của địch hư thực thế nào, rồi nhắm vào chỗ nguy mà đánh. Địch mới ở xa đến; hàng ngũ chưa ổn, có thể đánh; ăn mà chưa phòng bị, có thể đánh; đương rối ren, có thể đánh; nhọc mệt, có thể đánh; chưa được địa lợi, có thể đánh; lỗi thời không theo, có thể đánh; lặn lội đường dài, quân sau chưa nghỉ, có thể đánh; qua sông nửa chừng, có thể đánh; đường hiểm, đường hẹp, có thể đánh; cờ xí loạn động, có thể đánh; số trận dời đổi có thể đánh; tướng lìa quân sĩ, có thể đánh; lòng sợ, có thể đánh; phàm gặp các trường hợp đó, nên kén quân tinh nhuệ để xung đột trước, rồi sau chia quân mới đến, cứ việc đánh gấp, không phải ngờ gì nữa3.

Võ-hầu hỏi: Hai quân đối nhau, không biết rõ người tướng. Ta muốn dò xem, thì nên dùng thuật gì?

Khởi thưa: Sai người hèn mà dũng, đem quân tinh nhuệ để đánh, cốt thua chạy mà không cốt được. Xem địch đuổi đến, một ngồi một đứng, có thể biết được họ hay dở thế nào. Nếu đuổi theo mà giả cách không đuổi kịp, thấy lợi mà giả cách không biết, tướng như thế gọi là trí tướng, đừng nên đánh nữa. Nếu thấy chúng om xòm, cờ xí rối rít, quân tự đi đứng, binh hoặc dọc ngang, đuối theo còn sợ không kịp, thấy lợi còn sợ không được, đó là ngu tướng, dù nhiều quân cũng có thể bắt được
4.
*
*   *

Phàm dấy quân phải xét rõ quyền biến trong ngoài, để tính xem quân đủ hay thiếu, lương thừa hay không đủ, so sánh đường lối ra vào, rồi sau mới dấy quân dẹp loạn, thì tất có thể vào được. Đường lớn mà thành nhỏ, trước hết phải thu lấy đất. Thành lớn mà đất hẹp, trước hết phải đánh thành đã. Đất rộng mà người ít thì chặn chỗ ách. Đất hẹp mà người nhiều, thì đắp bờ lớn để đi tới. Đừng làm mất địa lợi của dân, đừng cướp mất thời làm ruộng của dân. Chính trị thì rộng rãi, nghề nghiệp cứ bình thường, cứu chữa những thói tệ, như thế thì đủ ra chính lệnh cho thiên hạ được. Nay các nước Chiến quốc đánh nhau, nước lớn đi đánh nước có đức, quân từ một ngũ đến một lượng
5, một lượng đến một sư, mệnh lệnh bất nhất, làm cho lòng dân không ổn định, chỉ chuộng kiêu ngạo xâm lấn, chỉ mưu lo xử kiện, quan lại chỉ lo xét việc, như thế thì thường hỏng cả. Ngày chiều đường xa, lại có khí nản, quân mỏi tướng tham, chỉ tranh cướp nhau, như thế thì dễ thua lắm.

Phàm tướng khinh, lũy thấp, quân chúng náo động, thì có thể đánh được; tướng trọng, lũy cao, quân sợ thì có thể vây được; phàm vây thì mở cho có lợi nhỏ, khiến dần mòn yếu đi thì sẻn tiếc mà không dám ăn. Quân đánh đêm là vì sợ. Quân tránh việc là vì lìa lòng. Đợi người đến cứu, hẹn đánh mà khao khát, đều là lòng nóng mà khí nản; khí nản thì bại quân, hỏng mưu thì hại nước.
_________________________________
1.
Võ-hầu: Tức là Vệ Võ-hầu, thời Chiến quốc.
2. Tức là Ngô-Khởi.
3. Xem Ngô tử, thiên II.
4. Xem Ngô tử, thiên IV.
5. Quân chế xưa, 25 người là một lượng.

*
*   *

Sách Tôn tử:

Binh là đạo dối trá, cho nên giỏi mà tỏ là không giỏi, dùng mà tỏ là không dùng, gần mà tỏ là xa, xa mà tỏ là gần, đem lợi để nhử người, gây loạn để đánh người; thấy chắc thì phải phòng, thấy mạnh thì phải tránh; trêu cho nó tức; nhún cho nó kiêu; nó nhàn thì khiến cho nhọc; nó thân thì khiến cho lìa; đánh ở chỗ không phòng, ra ở chỗ không ngờ. Đó là chỗ giỏi của nhà binh, mà không thể truyền trước vậy1.

Phàm chưa đánh mà miếu toán2 đã được, là tính được nhiều; chưa đánh mà miếu toán không được, là tính được ít. Tính được nhiều thì thắng, tính được ít thì không thắng, huống chi là không tính ư? Ta xem đó thì thấy rõ sự được thua vậy.
*
*   *

Cho nên phép dùng binh, gấp mười thì vây, gấp năm thì đánh, gấp đôi thì chia, ngang nhau thì chiến, ít hơn thì biết trốn; không bằng thì biết lánh. Cho nên nhỏ mà chỉ biết liều thì bị địch lớn bắt.
*
*   *

Phàm tướng là người giúp nước; giúp chu đáo thì nước hẳn mạnh; giúp sơ hở thì nước hẳn yếu. Cho nên nhà vua có ba điều lo: không biết rằng quân không nên tiến mà cứ bảo tiến; không biết rằng quân không nên thoái mà cứ bảo thoái, thế gọi là buộc quân. Không biết công việc ba quân mà trị ba quân như trị nước thì quân sĩ sinh hoặc; không biết quyền biến của ba quân mà cùng gánh vác trách nhiệm về ba quân, thì quân sĩ sinh ngờ; ba quân đã hoặc và ngờ thì các nước chư hầu sẽ đến đánh, thế gọi là loạn quân, dẫn đường cho địch thắng mình... Cho nên nói: Biết người biết mình, trăm đánh không nguy; không biết người mà biết mình, thì một được một thua; không biết người mà không biết mình thì hễ đánh là nguy
3.
*
*   *

Bụi cao mà nhọn là có xe lại; thấp mà rộng, là có quân bộ lại; tán mà vắt vẻo là có người hái củi; ít mà bay đi bay lại là dinh quân. Lời nhũn mà thêm phòng bị, ấy là tiến vậy. Lời mạnh mà quân tiến nhanh, ấy là lùi vậy. Xe nhẹ cho ra trước, ở vào một bên đường, ấy là bày trận. Không ước mà xin hòa, ấy là có mưu. Bôn tẩu mà bày quân, ấy là hẹn. Nửa tiến nửa lùi, ấy là nhử. Dựa vào binh khi mà đứng, ấy là đói. Vục nước mà uống, ấy là khát. Thấy lợi mà không biết tiến, ấy là nhọc. Chim họp, ấy là không người. Đêm la hò, ấy là sợ hãi. Quân rộn, ấy là tướng không trọng. Cờ xí lay động, ấy là rối loạn. Quan lại tức giận, ấy là mỏi. Cho ngựa ăn thóc, giết bò ăn thịt, ấy là thiếu lương cỏ. Quân không treo nồi, không trở về nhà, ấy là giặc cùng. Rì rầm xúm xụm, thong thả nói với nhau, ấy là mất lòng quân. Thưởng luôn là quẫn; phạt luôn là khốn. Trước dữ tợn rồi sau sợ quân, thế là không tinh rất mực. Hạ mình đến xin tạ, ấy là muốn nghỉ ngơi4.
_________________________________
1.
Tôn tử, thiên I.
2. Sự tính toán của triều đình. - Miếu toán đã được nghĩa là mưu kế của triều đình đã dự tính sự thắng trận.
3. Tôn tử, thiên III.
4. Tôn tử, thiên IX.


*
*   *

Sách Bảo giám:

Sinh địa là nơi tả hữu tiền hậu không phải là đất tử tuyệt, đâu cũng có đường vận lương. tiến thoái đều lợi cả. Sinh địa tuy nói là lợi của nhà binh, có thể dùng được chỉ có sáu trường hợp thôi: Đem quân vào sâu được đó là một trường hợp khá dùng; quân ngựa tinh sắc, trận thế quen biết, đó là hai trường hợp khá dùng; tướng trầm nghị, giới lệnh nghiêm, đó là ba trường hợp khá dùng; ta mạnh địch yếu, đó là bốn trường hợp khá dùng; đại tướng vốn có ân tín cho quan quân phục theo, đó là năm trường hợp khá dùng; tướng sĩ thích đánh, đó là sáu trường hợp khá dùng. Không dùng được có hai trường hợp: Quân lính nhớ nhà, đó là một trường hợp không thể dùng; tiến thì lợi lui thì hại, đó là hai trường hợp không thể dùng. Sự lợi hại của đất sinh và đất tử há không nên xét kỹ sao?

Tử địa: Dựa núi cách sông, đường nước đường lương đều dứt. Tử địa tuy nói là hại của nhà binh, nhưng có thể dùng để đánh được có bốn trường hợp: Ân uy của tướng rõ rệt, quan quân phục theo, đó là một trường hợp; quân ta cùng quân địch ngang nhau, ta đánh thì lợi, để nó đánh thì hại, cần sai quan và quân tử chiến, đó là hai trường hợp; bị địch bức bách, lương cỏ đều hết, đó là ba trường hợp; quân trước đã bị phá, quân sau vẫn còn như cũ, đó là bốn trường hợp. Còn không thể dùng thì có ba trường hợp: Nó đông mà ta ít, đó là một; lợi hại chưa rõ mà ép quân cưỡng làm, đó là hai; dùng dằng chưa quyết, đó là ba.

Xem động tĩnh thì biết là dũng hay nhát:

Cất chân bước cao, mất trông không liếc ngang, đó không phải là tướng trầm tĩnh. Ở lúc kịch mà đơn giản. Ở lúc nguy mà yên tĩnh. Xưa Tạ Huyền nhà Tấn, đương lúc quân Tần áp cõi thế như núi Thái đè chồng trứng, mà Huyền cứ đánh cờ như không. Khấu Chuẩn nhà Tống, đương khi quân Khiết-đơn vào cướp, thư ngoài biên báo tin gấp mà Chuẩn vẫn uống rượu và đánh bạc tự nhiên. Thế mới phải.

Thấy người ngồi như hổ, đi lại như chim cắt bay; đem quân tới địch thì uy giận gấp bội lên; thấy thế lợi thì cứ tiến, không nhìn lại sau; người quân tử cầm quân thì tiến thoái quả quyết, xem người thì thênh thả vui tươi, chí thì ở trừ tàn bạo, đó là khí độ của người tướng quốc. Thấy ác không giận, thấy lành không mừng, nhan sắc không thay đổi, đó là lượng của người thiên tử.

Được sự thắng nhỏ, gặp sự thua nhỏ, mà mừng lo hình ra nét mặt, hễ thấy động thì động, thấy tĩnh thì tĩnh, nhát mà không tính toán gì, cất chân thì thần sắc không định, mà hay lấy lời nói để thắng người, đó là tướng ngu vậy.

Xem ngôn luận của người tướng mà biết được thua: Xưa Hàn Tín nói với Cao đế, Cảnh Cam nói với Quang-vũ, lời bàn trong lều cỏ của Gia-cát, bài sách Bình biên
1 của Vương Phác, đều là không phụ lời nói. Tướng Thục là Vương Chiêu-viên đem quân đánh nhà Tống, vung cánh tay nói: “Ta đi lần này lấy Trung nguyên như giở bàn tay”, tự ví với Gia-cát Lượng, mà mới đánh một trận bị bắt ngay.
*
*   *

Địch có mưu thần, thì dùng gían điệp để phá; địch có chứa cất, thì sai người đốt đi; địch có trồng cấy, thì đánh lừa mà cắt đi, địch có nhân dân, thì cưỡng bức mà bắt đi; ngầm đem của đút cho gián điệp của địch, hiến dâng gái đẹp để cho mê hoặc, biếu ngựa tốt để làm cho đãng lòng; dùng mọi cách để lừa, cho đến khi ở ngoài thì bị khốn, ở trong thì mê hoặc, khiến việc nước hỏng bét, bấy giờ ta đem quân mà đánh thì có thể không mệt nhọc mà lập được công. Người giỏi dùng binh nên mưu làm khốn địch; địch khốn thì ta nhàn; lấy nhàn mà đánh khốn, không thua thì đợi gì?
_________________________________
1. Bình biên sách: Đời Thế tôn Bắc Chu, Vương Phác dâng kế sách dẹp yên biên cương, nói là đất Giang Hoài nên lấy trước, nghị luận rất hùng. Thế tôn rất tin dùng Phác.


*
*   *

Ta không đắc chí ở Hán-đông
1 thì ta bày ba quân của ta, bày giáp binh của ta, đem võ lực mà tới đó. Địch sợ phải tính mưu, nên khó dùng gián vậy. Các nước ở Hán-đông có Tùy là lớn hơn. Tùy tự kiêu, tất bỏ nước nhỏ. Nước nhỏ mà lìa thì lợi cho nước Sở2. Thiếu sư Tuấn xin làm ra vẻ yếu quân để khiến Tùy kiêu. Nước Giảo nhỏ3 mà khinh suất, khinh suất thì ít mưu, xin đừng ngăn trở người kiếm củi để nhử họ.

Quần Sở nhẹ nhõm, dễ lay động. Nếu đánh nhiều trống thì quân Sở là quân đánh đêm ắt phải trốn. Thần nghe sách Binh pháp nói: “Đánh ở nơi không đủ mà giữ ở nơi có thừa”. Lại nói: “Người thiện chiến khiến người đến mà không bị người khiến đến”. Nay Đơn Khương muốn làm giặc, nên chỉnh sức binh ngựa, luyện tập quân sĩ, chờ cho nó đến, lấy nhàn đợi nhọc. Đó là đạo đánh thắng vậy.

Quân giặc nhiều quân ta ít, đi thong thả thì dễ bị theo kịp, đi nhanh thì nó không thể nào lường được. Giặc thấy số bếp của ta ngày thêm thì cho rằng có quân các quận đến đón. Quân ta nhiều mà đi nhanh, hẳn nó sợ đuổi ta. Tôn Tẫn thì tỏ ra càng ngày càng yếu
4, ta nay tỏ là mạnh vì thế có chỗ không giống nhau.

Trung-quốc yên ổn, quên việc đánh trận đã lâu. Kỵ binh họp ở ngoài đồng, đánh giáo đánh cung, quyết thắng trong lúc bấy giờ, Nhung Địch thì sở trường ở chỗ ấy mà Trung-quốc thì dỡ. Nỏ mạnh cưỡi trên thành, bền dinh cố giữ để đợi giặc suy, Trung-quốc thì sở trường ở chỗ ấy mà Nhung Địch thì dỡ. Nên phải dùng trước cái sở trường mà xem sự biến; đặt mưu mở thưởng, mà bảo cho nó ăn năn; đừng tham công nhỏ mà loạn mưu lớn.
*
*   *

Trăm trận trăm thắng, không bằng không đánh mà khuất phục được quân người, đó là trước làm thế địch không tthể thắng để chờ thế của địch mình có thể thắng
5. Trần-thương6 dù nhỏ, thành giữ chắc bền, chưa dễ hạ được. Vương quốc dù mạnh, đánh Trần-thương không vỡ. Quân Trần-thương hẳn mệt, mệt mà đánh vào, đó là đạo toàn thắng.

Tào Tháo đã phá được Lưu Bị, thì đất Hứa-hạ không phải là bỏ không. Vả Tháo khéo dụng binh, quân dù ít chưa thể khinh suất mà đánh vậy. Nay không bằng hãy đợi lâu, ngoài thì kết nạp với các anh hùng mà sửa sang nông chính, rồi sau kén những người tinh nhuệ, thừa lúc sơ hở mà lần lượt ra. Cứu phía hữu thì đánh phía tả, cứu phía tả thì đánh phía hữu, khiến ta chưa có thể bị làm nhọc mà địch đã khốn trước. Không tới ba năm, ta có thể ngồi mà thắng được. Quân Bắc dẫu nhiều, mà gan mạnh không bằng phương Nam. Quân Nam dù tinh, nhưng lương chứa không bằng phương Bắc. Phương Nam thì may ở sự đánh mau; phương Bắc thì lợi ở sự hoãn quân. Nên thong thả giữ lâu để chờ đợi ngày tháng.
________________________________
1. Hán-đông: Quận Hán-đông của nhà Hậu Ngụy, nhà Tùy bỏ, trị Sở ở phía tây-bắc huyện Chung-tường tỉnh Hồ-bắc ngày nay.
2. Đây là nước Sở thời Ngũ đại, đô ở Trường-sa tỉnh Hà-nam ngày nay.
3. Giảo: Tên một nước thời Xuân thu. Sở đánh Giảo, Mạc-ngao Khuất-hà nói: Giảo nhỏ mà khinh suất, khinh suất thì ít mưu, xin đừng ngăn trở người kiếm củi để nhử giặc.
4. Tôn Tẫn: Người nước Tề, thời Chiến quốc, cháu ba đời của Tôn Võ, làm quân sư cho Tề Uy vương, đánh bại Bàng Quyên, tướng nước Ngụy. Tôn Tẫn đem quân vào đất Nguỵ, đặt 10 vạn bếp, đến ngày mai chỉ để 5 vạn bếp, lại ngày mai chỉ để 3 vạn. Bàng Quyện tưởng là quân Tề càng ngày càng suy bỏ bộ binh mà đuổi, bị Tẫn đánh bại ở Mã-lăng.
5. Tôn tử, thiên IV.
6. Trần-thương: Thành Trần-thương nay ở Thiểm-tây. Thời Tam quốc, Hán vương ra đánh Trần-thương, đánh bại quân của tướng Ngụy Ung vương Chương Cam.

*
*   *

Đạt
1 quân ít mà lương thực chi dụng được một năm; quân ta gấp bốn lần quân Đạt, mà lương ăn không đủ một tháng. Lấy một tháng mà chọi một năm, sao lại không nên đánh chóng? Lấy bốn kỳ mà đánh một chính, cho mất đi một nửa mà thắng cũng cứ làm. Thế là không kể tử thương và lương thực vậy. Nay giặc đông ta ít, giặc đói ta no, nhưng mưa nước như thế, công sự không làm được, dù có thúc giục cũng chẳng làm gì. Từ phát quân ở Kinh sư, không lo đánh giặc, chỉ sợ giặc chạy. Nay lương ăn của giặc đã gần hết mà vòng vây chưa khép. Cướp lấy trâu ngựa, thu lấy rơm củi, đó là cách đuổi cho nó chạy đi vậy. Phàm việc binh là lừa dối, khéo nhân sự biến. Giặc nhờ có nhiều quân và cậy trời mưa, cho nên dù khốn đốn cũng chưa chịu bó tay. Nên bảo cho nó là không thể làm gì để cho nó ngồi yên, lấy lợi nhỏ để làm cho nó sợ.
*
*   *

Mậu
2 là con rể của chúa, nhút nhát không có mưu chước, nay cho Diên3 5000 tinh binh thẳng từ Bao-trung đi quanh núi Tần-lĩnh mà sang phương Đông, qua đường tí ngọ mà lên Bắc, không quá mười ngày có thể đến Trường-an. Mậu nghe Diên ập đến thì hẳn bỏ thành chạy, thóc của để quốc và của tán dân4 cũng có thể đủ ăn. Phương Bắc và phương Đông tụ họp với nhau phải hơn hai mươi ngày, mà ông do Tà-cốc lại cũng đủ để đến. Như thế thì một lần cất quân mà từ Hàm-dương trở về Tây có thể yên định được.
Người xưa tính toán rồi sau mới đánh. Quân Ngụy
5 không thể đánh có bốn điều: Đem quân vào đất khách, lợi ở đánh ngoài đồng, đó là một điều; vào sâu gần kinh kỳ, đóng quân ở đất chết, đó là hai điều; quân trước của ta đã thua, trận sau mới vững, đó là ba điều; quân họ nhiều, quân ta ít, không thể địch lại, đó là bốn điều. Quân ta tự đánh trên đất mình, đông mà không thắng thì lòng quân khó bền; thành lũy chưa sửa, địch đến mà không phòng bị, chẳng bằng đắp lũy vững, giữ bền quân để cho giặc già (mệt mỏi chán nản) đi.
*
*   *

Đại nghiệp của ta mới dựng. Diêu Hưng
6 cũng là người giỏi trong một thời, chưa có thể mưu được. Nay chuyên giữ vững một thành, nó hẳn gồm sức để đánh ta, sự mất có thể đứng mà đợi được. Chi bằng ta đem quân kiêu kỵ rong ruổi, xuất kỳ bất ý mà đánh, nó cứu ở trước thì ta đánh ở sau, cứu ở sau thì ta đánh ở trước, khiến nó chạy vạy mà mỏi mệt. Ta thì ăn chơi tự nhiên. Không đến mười năm, đất Hà-đông sẽ về ta hết, đợi khi Hưng đã chết, con nối ngôi nhỏ yếu, sẽ dần dần lấy Trường-an, cái đó là trong kế hoạch của ta vậy.
*
*   *

Người Ngô sắc sảo, thì thuyền ghe là lối đánh liều chết của họ, thế khó tranh chọi được. Nay nên nghiêm quân để chờ, đừng nên giao chiến. Xin mượn kỳ binh và nghìn người, ngầm sang sông đánh úp vào lũy họ, khiến họ lui thì không biết lui đâu, đuổi thì không đánh ai được. Đó là chước phá Triệu của Hàn Tín vậy. Việc binh quý ở nhanh chóng. Ta nhờ cái uy thắng trận luôn, vỗ về những quân mới quy phụ, khua trống mà kéo về Tây, thì người ở Trường-an trông bóng mà sợ hãi. Trí không bằng mưu, sức mạnh không bằng quyết đoán, lấy Trường-an dễ như rung lá khô thôi. Nếu ta êm đềm tự chết ở dưới thành bền, nó có mưu sẵn, sửa sang dự bị để chờ ta, ta ngồi phí cả ngày tháng, quân ngày lìa bỏ, việc lớn hỏng mất.
_________________________________
1. Đạt: Tức là Mạnh Đạt, vốn là tướng củs Lưu Chương ở Ích-châu (Thục), khi Lưu Bị vào đất Thục thì Đạt hàng, được làm thái thú Tân-thành. Sau lại hàng Ngụy. Đến khi muốn trở về Thục thì bị giết.
2. Hạ-hầu Mậu là rể Tào Tháo.
3. Tức là Ngụy Diên, đây là lời Ngụy Diên nói với Khổng-minh (Xem Tam quốc chí).
4. Để quốc là nước phong của vương hầu - Thóc của tán dân là thóc của dân rải rác các nơi.
5. Tức là Tào.
6. Diêu Hưng: Tức là Hậu Tần vương, một trong 16 nước ở đời Tần, về chủng tộc Khương.


*
*   *

Thế-sung
1 kho tàng đầy dẫy, các tướng đều là người tinh nhuệ ở Hoài-tây cả, nhưng thiếu lương ăn là bởi bị ta cầm giữ. Kiến-đức là tướng tự phương xa đến, cũng nên bẻ gãy khí sắc bén đi, chứ nếu thả cho hắn đến đây thì hai giặc hợp nhau, chuyển thóc ở Hà-bắc để biếu Lạc-dương, chiến tranh bắt đầu, thì thống nhất biết đến bao giờ được. Nay nên chia quân để giữ Lạc- dương, hào sâu lũy cao, đừng nên giao chiến. Đại vương thân đem quân kiên nhuệ, trước giữ chỗ cao trong thành, lấy quân nghỉ ngơi đợi quân mệt nhọc, quyết có thể được. Kiến-đức đã phá rồi, Thế-sung ắt phải thua. Không đầy hai tuần, hai chúa ấy đều sẽ bị bắt cả.

Giặc bày sức không đương nổi, thì dễ dùng kế để khuất, khó dùng lực để tranh. Nay chúng có hào sâu lũy cao để bẻ gãy mũi nhọn của ta, nhưng đám quản ô hợp không giữ lâu được, lương thực cạn hết, tự phải lìa tan, không cần đánh mà bắt được.

Quân cứu bại của nó, chước không phải lập sẵn, thế không thể giữ lâu; chi bằng ta hãy đậu ở bờ phía Nam, hoãn lại một ngày, nó hẳn phải chia quân về giữ, quân chia thì thế yếu, nhân lúc trễ nải mà đánh thì nhất định thắng. Nếu gấp đánh ngay thì nó gồm sức đánh liều, quân Sở mạnh sắc, mình chưa dễ đương nổi.

Đất của Tiêu Tiển
2, phía Nam ra ngoài Lĩnh-biểu, Phía Đông đến hồ Động-đình, ta đem quân vào sâu, nếu đánh thành chưa vỡ được mà quân viện bốn mặt họp lại, ta trong ngoài bị địch, tiến thái không được, dẫu có thuyền ghe cũng chẳng dùng được. Nay bỏ thuyền ghe để cho trôi xuống chật sông, quân viện trông thấy, hẳn bảo là đất Giang-lăng đã vỡ, chưa dám khinh tiến, đi lại nhòm ngó, chậm lại hàng tuần, ta lấy là phải được.

Vua Tần ở trong thì chia cắt quần hùng, ở ngoài thì uy phục Nhung Địch, độc lập làm đế, đó là cái tài sai khiến được đời. Nay đem hết quân mà đến cũng không địch nổi. Mưu chước của ta không gì bằng đóng quân không đánh, trải ngày giữ lâu, chia sai kỳ binh, cắt đường vận tải, lương thực đã hết, cầu đánh không được, muốn về không có đường, thế là có thể thắng được.

Tướng mạnh của địch bất quá là bọn Sử Tư-minh
3, An Thủ-trung, Điền Càn-chân, Trương Trung-chí, A Sử-na, mấy người mà thôi. Nay nếu sai Lý Quang-bật từ Thái-nguyên đến Tỉnh-kinh, Quách Tử-nghi từ Mã-dực đến Hà-đông, thì Tư-minh, Trung-chí không dám lìa Phạm-dương, Thường-sơn; Thủ-trung, Càn-chân không dám lìa Trường-an, thế là dùng hai quân mà trói buộc tướng. Theo Lộc-sơn chỉ còn Thừa-khánh thôi. Xin Quách Tử-nghi đừng lấy Bút-dương, khiến cho các đạo quân ở hai kinh phải lùi. Quân Bệ hạ ở Phù-phong, cùng với Tử-nghi và Quang-bật mà đánh, nó cứu ở đầu thì đánh ở đuôi, cứu ở đuôi thì đánh ở đầu, khiến giặc đi lại mấy nghìn dặm, chạy vạy mỏi mệt. Ta thì thường lấy thế nhàn mà đợi thế nhọc. Giặc đến thì tránh mũi nhọn, giặc đi thì nhân nó mệt, không đánh thành, không chặn đường, sang xuân lại sai Kiến-ninh làm tiết độ đại sứ Phạm-dương, cùng là lấp đường ra phương Bắc, cùng với Quang-bật nam bắc tựu nhau để giữ Phạm-dương, lật đổ sào huyệt của giặc, giặc thua thì không có lồi về, ở lại thì không được yên; rồi sau đại quân họp lại mà đánh thì hẳn bắt được.

Hai quân đánh nhau, quý tiến mà kiêng lui. Nay vô cớ bỏ 500 dặm đất thì thế giặc càng thêm mạnh. Chi bằng dời quân đến Hà-dương, bắc liền với Trạch-lộ; lợi thì tiến lấy, không lợi thì lui giữ, trong ngoài ứng nhau, khiến giặc không dám lấn sang miền Tây. Đó là thế tay vượn vậy.

Quân của Nho quét đất mà lại, lợi ở sự đánh chóng. Nên giữ đồn hiểm yếu, đắp bền hào lũy, dẹp không đồng nội, để cho già quân nó đi. Bấy giờ cho quân khinh kỵ ra, cướpp lấy lương thực, đoạt lấy những vật nó cướp được, khiến nó tiến thì không được đánh, lui thì không có lương. Có thể bắt sống được.
_________________________________
1. Kiến-đức, Thế-sung: Thời Tùy sắp mất. Đậu Kiến-đức chiếm giữ Hà-bắc xưng là Trường-lạc vương lại xưng là Hạ vương, sau hợp với Vương Thế-sung. Tần vương Thế-dân đánh Sung, Kiến-đức đem quân đến cứu, Thế-dân bắt được chém ở Trường-an.
2. Tiêu Tiển: Cháu bốn đời của Lương Tuyên đế. Tùy Dạng đế cho làm chức lệnh ở La-xuyên. Khi hiệu úy Nhạc-châu là Đồng Cảnh-trân làm phản, Tiển mộ binh vài nghìn người để đánh. Sau tiếm xưng hoàng đế, dời đô đến Giang-lăng. Đường Lý Tĩnh đánh bắt được.
3. Sử Tư-minh: Thời Đường Khai-nguyên, theo An Lộc-sơn làm loạn. Sau xưng là Yên đế, bị con giết

*
*   *

Cơ. Thế liên hệ là cơ; việc chuyển biến là cơ; vật yếu hại là cơ. Có khi ngay trước mặt là cơ, nháy mắt một cái không phải cơ nữa. Có khi nhận được là cơ, bỏ mất tức không có cơ nữa. Mưu thì nên sâu, giấu thì nên kín; định là do sự biết, lợi là do sự quyết. Phàm dấy quân, phải chia trước sau của thế lớn, hoãn cấp để định việc, so sánh tình hình lợi hại của mình và của người để dùng phép mà giữ mình và chế người. Hoặc nghiêm ngoài để giữ trong; hoặc bền gốc để rộng nền; hoặc cắt cánh để cô thế; hoặc bắt chủ để tan quân; hoặc đánh mạnh cho yếu sợ; hoặc chống hoặc đánh; hoặc dẹp, hoặc vỗ; hoặc vây hoặc giữ; hoặc xa hoặc gần; hoặc kiêm làm cả hai cách; hoặc chuyên lực vào một phép; xem xét, tham chước, quyết định; vả lại mềm mỏng mà làm, nhởn nhơ chờ biến; rồi chuyển sang đánh mà tiến, có thể đại thắng được.

Thực hư. Phàm giặc kết trại lâu ngày, chợt thấy một hôm bếp lửa bội thêm, đó hẳn là kế bỏ trại mà lui, cho nên trước làm ra kế ấy để khiến ta bền lòng. Ta kíp sai du binh mai phục trước ở đường trọng yếu, chờ nó đi qua mà đánh, chắc chắn là toàn thắng. Đó là yếu lược lấy thực làm hư vậy.

Kế sai khiến anh hùng. Kẻ sang thì lấy kiêu ngạo mà khích; kẻ giàu thì lấy xa xỉ mà khích; kẻ nghèo thì lấy giàu mà khích; kẻ bạo thì lấy giận mà khích; kẻ dũng thì lấy mạnh mà khích; kẻ trí thì lấy cơ mà khích; kẻ nhân thì lấy yêu mà khích; kẻ nghĩa thì lấy thẳng mà khích; kẻ lễ thì lấy nhũn mà khích; kẻ tín thì lấy hẹn mà khích; xa thì lấy gần, thân thì lấy sơ, tôn thì lấy ti, nhỏ thì lấy lớn, ít thì lấy đông, khỏe thì lấy yếu, lợi thì lấy hại, thành thì lấy bại, tối thì lấy sáng, hư thì lấy thực, nhàn thì lấy nhọc, ưa thì lấy ghét. Đến như công tư, tà chính, phải trái, mừng giận, thảm vui, đi lại, theo chống, liêm tham, siêng lười, rộng ngặt, lành dữ, khéo vụng, thuận nghịch, đều thế cả. Cùng là thân yêu thù oán, trung quốc ngoại di
1, dũng mãnh mưu kế, quật cường lễ nghĩa, hà khắc khoan hồng, ngược ngạo nhún nhường cũng thế. Nhưng có kẻ tiến thì lấy lui mà khích; đánh thì lấy giữ mà khích; lâu thì lấy chóng mà khích; đói thì lấy no mà khích; gặp chước dùng chước, rồng tung khóa sắt lên không; lấy mưu đánh mưu, phượng bẻ lồng vàng bay bổng. Cá về biển lớn, phải đâu là cá cắn câu; chim liệng trời cao, há phải là chim bị nhốt. Cao thấp mặc họ cao thấp, đều vào roi vọt tay ta; dọc ngang mặc họ dọc ngang; đều bị tay ta giá ngự. Đó là kế sai khiến anh hùng, đâu đâu cũng có công hiệu ra quỷ vào thần.

Kế lâm cơ ứng biến. Mây mưa rợp trời, mưa tuyết đầy đường, cuốn giáp ngậm tăm, rảo chạy đến bờ dốc, rừng rậm, hang sâu, chôn giáo đặt phục để đánh úp; khi chính chính đường đường thì hào sâu luỹ cao; khi nhanh nhanh chóng chóng thì chặn gươm bẻ giáo; ly gián để nhân chỗ sơ hở; kiêu lười thì nhân chỗ trễ tràng; kẻ nhọc mệt thì nhân họ mỏi mệt; kẻ om sòm thì nhân họ rối ren; quân ngang dọc thì nhân họ không chỉnh đốn; quân sơ suất thì nhân họ không đề phòng. Cho nên dùng binh ví như dùng thuốc, tùy bệnh mà chữa. Sự thực chưa rõ mà đã thấy trước, ta phòng bị càng nghiêm; sự việc chưa động mà đã nghe trước, ta chuẩn bị càng khéo. Đó là lâm cơ ứng biến, há chẳng phải là ra quỷ vào thần sao!
_________________________________
1. Chữ Trung quốc ngoại di ở đây có nghĩa là nếu là người Trung-quốc thì lấy người ngoại di mà khích.


*
*   *

Sách Võ bị chế thắng chí:

Ta đến trước chiến địa, bày trận ở nơi cao; quân sĩ đã ở trận, quân địch đến sau, không được địa lợi, người ngựa qua lại, ngờ sợ không nhất định, trên dưới kêu gọi, có thể đánh gấp, không còn phải ngờ nữa.

Quân địch đặt dinh lâu ngày, nhiều lần đến đánh ta, thấy không có lợi, tướng sĩ chán lười, có thể ngầm đánh úp được. Nếu quân ta đóng dinh lâu, có sự cớ riêng, hoặc thiên thời chưa định. hoặc còn chờ quân cứu đến, cũng nên nghiêm hàng ngũ, rõ hiệu lệnh, ngày đêm thường tỏ ý chống giặc, không nên để quân lười biếng, sợ bị đánh bất ngờ.

Nếu thấy dinh địch người ngựa bời bời rối loạn, ngang dọc ra vào không thứ tự, chụm năm chụm ba, ngồi đứng không nhất định, đó là tướng không nghiêm; hoặc là tướng lại thay đổi, lòng người không yên, quân lệnh chưa nghiêm, có thể là quân địch sẽ kéo lại đánh ta, ta nên chuẩn bị để chống.

Quân địch lập dinh đã lâu, thình lình rộng đặt khói lửa, càn sinh cơ biến, đó là muốn bỏ dinh không mà đi đánh nơi khác, cho nên bày gian làm dối; hoặc ý muốn rút quân, sợ ra đuổi theo, cho nên hư trương để đành lừa. Như thế thì nên gấp sai những kẻ nghĩa hiệp sắc sảo nấp ở chốn yếu hại để đón đánh.

Nếu địch ít quân mà đặt dinh lũy rộng rãi, hư trương quân thế, nhử người ngựa của ta, ta giả đến chống cự, thì nó hẳn chia người ngựa đến con đường khác, đánh vào chỗ không ngờ của ta. Ngày xưa rợ Tây Nhung xâm phạm bờ cõi, đặt hư dinh ở Phu-diên
1, rồi đem đại quân đến Kinh-nguyên, đánh vỡ quân ta.

Đại quân của địch bỗng đến, mà quân ta có ít khó bề đối phó, thì không nên đương đầu đón cản, quân ít không địch nổi. Nên đến nơi yếu hại, đợi nó qua nửa chừng, khi đại binh đã đi rồi, đón ở giữa đường, hoặc triệt lương cỏ, giặc muốn họp vây thì quân ta chống lui chiếm lấy nơi cao, thuận thế đi lại, đánh thì hẳn được.

Địch nếu rộng, bày cớ xí ở núi cao lũng rộng, giương quân mà đi, thì hẳn có quân tinh kỵ phục ở đường tắt, ngầm tiến đánh dinh trại ta ở nơi chẳng ngờ. Ta nên đặt cao vọng lâu để nhòm, hoặc có nơi bụi bay chim liệng, thì kén ngay tinh binh hoặc kỵ binh đi trước thám xét, quả có quân giặc thì chia quân ra nơi yếu hại mà đón
2.

Phàm đội ngũ bị quân địch bức đánh đông quá không chống được, thì các đội ngũ lân cận đều phải cùng ra sức cứu viện.

Phàm mười người địch một thì vây; năm người địch ba thì đánh; hai người địch một thì chia quân kỳ phục
3.

Phàm binh đương đánh nhau, các đội khiêu đãng
4, kỳ binh, thì quân và ngựa nên lường mà rút người các đội để bổ vào, tức tùy các đội mà rút bắt người ngựa5.
_________________________________
1. Thuộc tỉnh Thiểm-tây, Trung-quốc.
2. Xem Võ bị chế thắng chí, quyển 5. chương “Liệu địch”.
3. So với Tôn tử ở thiên “Liệu địch”.
4. Quân khiêu đãng là quân cưỡi ngựa để đi thăm dò ở trước, cũng gọi là thám kỵ.
5. Xem Võ bị chế thắng chí, quyển 5, chương “Ứng chiến”.

*
*   *

Sách Binh lược:

Đem quân vào sâu trọng địa, phải có kế khéo để về. Đem quân vào sâu trọng địa, ở đời gần đây có ba cuộc là: Quân năm Giáp ngọ
1 (của họ Trịnh), quân năm Bính ngọ2 (của Tây-sơn), quân năm Kỷ dậu3 (của Bắc triều) mà có cách không về khác nhau. Vì quân năm Giáp ngọ là quân tham, hành động không chính đáng, đã không phải là quân mưa phải thời, huống lại để binh ở lâu đến chín năm. Giặc mạnh Tây-sơn4 thì để đấy mà không hỏi, tự lấy làm yên, đến nỗi quân chiếm đóng đều bị úp đổ. Đó là vì cớ không khéo về vậy. Quân năm Bính ngọ cũng là quân xâm lược mà thôi; nhưng khi mới vào thì ba quân của họ Trịnh tản mát chưa có thể họp được ngay, khoảng đó dù có trung thần nghĩa sĩ, mà trí không kịp mưu, dũng không kịp quyết, liệu thế về hẳn không ngại, thì về chóng là kế rất hay. Đến như năm Kỷ dậu, quân Bắc sang Nam, tự cho là thành Lê đã khôi phục rồi thì việc cứu nhà cháy thương láng giềng, nghĩa không còn nữa, mà một cõi Ái-châu để cho giặc mạnh nuôi uy, cho nên quân địch áp vào cõi, thì quân muộn dặm5 treo vào không có chỗ nào mà về nữa. Tuy thế quân tự đất Bắc lại đây không rõ thế địch, nên vụng ở chỗ liệu người, ở yên cẩu thả, nhưng vua Lê phải chịu trách nhiệm vậy.

Đồng-quan
6 là nơi hiểm yếu, lấy chắc bền mà chống giữ, chẳng bằng phía Bắc giữ lấy Bồ-bản, sang sông mà tiến vào phương Tây, tới nơi lòng ruột, đặt quân ở nơi tử địa, thì vòng vây ở Hoa-châu7 không đánh tự tan. Đồng-quan đã tan, thì địch trông vào trong mà chạy. Các chi tiết đã tan rồi, đất Trường-an có thể ngồi mà lấy được.

Địch kia sợ gì thì dùng cái sợ đó mà đánh, không khi nào là không thắng. Ví như địch sợ cung tên thì ta lấy cung tên mà đánh, khiến mất tinh thần. Gần đây như Tây-sơn thấy quân Bắc sợ voi, thì dùng voi để đánh, đó là được ý ấy vậy. Cái gì địch xem khinh thì dễ để chống địch; cái gì làm địch sợ hãi thì khó mà liệu địch.

Quân địch sắc lắm, hẳn là tính kế vạn toàn. Nếu có vấp ngã thì khí họ hăng lên mà việc ta hỏng vậy. Chi bằng ta đóng đại quân ở núi Phúc-chu để chống, nó đi không hàng 200 dặm mà chẳng được gì, khi sắc đã nhụt, chợt thấy đại quân hẳn là sợ hãi, ta tiếp quân giữ bền trận mà không giao chiến, nó muốn đánh mà không được đánh tự nhiên tan chạy. Đó là thượng sách vậy.

Quân Ngô nhẹ mà ít, lợi ở sự đánh liền. Nên giữ Đại-nghiễn
8, khiến nó không vào được, kéo dài ngày giờ, để tan nhuệ khí, rồi sau dần dà kén quân tinh kỵ, vận lương, sắc cho Đoàn Huy đem dân Duyện-châu9 do phía đông mà xuống đánh cả bụng lưng. Đó là thượng sách.
_______________________________________
1. Binh Giáp ngọ: Tức là quân của Hoàng Ngũ Phúc, do Trịnh Sâm phái vào đánh Thuận-hóa.
2. Binh Bính ngọ: Tức là quân Nguyễn Huệ ra đánh Thăng-long, Trịnh Khải thua chạy.
3. Binh Kỷ dậu: Tức là quân của Tôn Sĩ-nghị nhà Thanh xâm lược nước ta, bị Nguyễn Huệ đánh đuổi tan tành.
4. Tác giả là tôi nhà Nguyễn nên xem Tây-sơn là cừu thù.
5. Chỉ quân Tôn Sĩ-nghị.
6. Cửa quan ở huyện Đồng-quan, tỉnh Thiểm-tây, Trung-quốc.
7. Hoa-châu, đất tỉnh Thiểm-tây ngày nay.
8. Đại-nghiễn: ở phía nam tỉnh Sơn-đông, là nơi địa thế hiểm trở.
9. Duyện-châu là miền đông nam tỉnh Hà-bắc và miền đông bắc tỉnh Sơn-đông.

*
*   *

Một là luận về miếu thắng
1.

Hai là luận về chịu mệnh
2.

Ba là luận về vượt cõi
3.

Bốn là luận về luỹ cao hào sâu.

Năm là luận về đánh trận gia hình
4.

Năm điều ấy, trước phải liệu địch mà sau mới hành động, thế là khua trống mà cướp không vậy. Người khéo dùng binh có thể cướp người bằng cách không cướp, cho người mà là cướp vậy. Ấy là tâm cơ vậy.
*
*   *

Phép đánh đêm, lợi ở bí mật hoặc lẻn quân ngậm tăm, xuất kỳ bất ý; hoặc dùng nhiều lửa và trống, làm cho rối cả tai mắt, ruổi nhanh mà đánh thì hẳn thắng.
*
*   *

Thái công nói: Như trong đồn sở của ta, chợt có người đến báo có giặc ở chỗ nọ chỗ kia, tức phải đem quân đi ứng phó, đi thì do đường quanh, rất không nên đi đường thẳng, vì giặc tất sai người phục trước rồi, sợ là giặc cho đó là đường trọng yếu mà đánh úp ta vậy.
*
*   *

Phòng địch thì trước phao tiếng mà sau làm thực, đó là yếu sách của nhà binh. Tất phải biết người biết mình, xét kỹ hư thực. Ví như địch chợt phạm cõi biên để cho biên thần cáo cấp rồi lại giải tán. Ta cho biên thần báo hão, nghe ngoa truyền ngoài đường, hoang mang thất thố. Muôn một nó lấy tiếng hư làm cho ta sợ để ta chạy vạy mỏi mệt, lâu rồi trễ nải, chợt nó kéo đến, đó là nó phao tiếng trước mà làm thực sau, nhiều phương lừa ta làm cho ta phạm cái lỗi không biết người biết mình, trăm trận trăm thua. Tướng ngoài biên lầm lỗi phần nhiều là do đó. Cho nên đừng lấy địch không đến làm mừng, mà nên lấy biên thần không biết địch tình làm lo hơn.

Hai quân một quân ngoài một quân trong thì thuật là thế nào? Trung-quốc cùng với Man Di, địa thế và kỹ thuật khác nhau. Sở trường của Trung-quốc thì ở quân xe, quân ngựa, nỏ cứng giáo dài, tay giáo mác tay nỏ tên, võ biền rong ruổi, chọi gươm chọi kích ở đất bằng. Sở trường của Man Di là ở núi đèo khe suối, cúi nghiêng ruổi bắn, chịu đựng gió mưa đói khát. Lấy người Trung-quốc đánh người Man Di, sao bằng lấy người Man Di đánh người Man Di là kế hay hơn. Lại cho họ áo giáp bền, gươm giáo sắc, thêm có quân kỵ tốt của biên quận. Đến như đất bằng đường phẳng, thì lấy xe nhẹ cho võ biền chế ngự. Đại để gặp địa hình Man Di thì dùng kỹ thuật giỏi của Man Di mà chống, gặp địa hình Trung-quốc thì dùng kỹ thuật giỏi của Trung-quốc mà chống, đó là thuật vạn toàn vậy.
______________________________________
1. Miếu thắng. Mưu kế để chiến thắng của Triều đình.
2. Tức là đại tướng chịu mệnh của vua.
3. Vượt cõi là vượt bờ cõi nước mình mà sang đánh nước khác.
4. Đánh trận gia hình là đánh trận mà trừng trị kẻ có tội.


*
*   *

Đánh kẻ lớn của họ mà lòng họ tự phục. Bọn đầu sỏ làm loạn nghịch, bọn tiểu loại phản bội phụ theo, đem quân mà phá không bằng dùng kế mà phá. Khi đi thì sẵn sàng chiến đấu, khi dừng thì đóng vững dinh trại. Khao quân lính, đặt xích hậu ra xa, không cùng địch đánh nhau mà chỉ vụ dùng uy tín để chiêu hàng những bọn nhỏ. Bọn lớn đã tan, tất bọn nhỏ cũng không phải phiền đến binh mà hạ được. Đó là kế của Triệu Sung-quốc đánh Tiên-linh vậy.

Vào sâu lũy địch mà đánh thắng thì có thể rút lui để tránh mũi nhọn. Ta đem cô quân tiến vào sâu, trước sau đều là lũy địch, quân lính biết chắc là chết, không ai không muốn trong sự chết ấy cầu lấy sống, cho nên đều hết sức để đánh lấy thắng. Nhưng quân địch gấp ta mười lần, nay đánh một trận mà lui được thì thế nào nó cũng quay trở lại, ban đêm đánh úp thì ta nguy. Nên chiều hôm dời dinh đi. Quả đêm địch lại, chỉ thấy dinh không thì cả sợ. Ta nhân lúc bất ý, đánh thì thắng ngay.

Phàm động binh phải đo đắn có lợi cho nhà nước, giúp đỡ được nhân dân, thêm trọng được uy danh thế lực. Nếu được không bù mất thì không phải là lợi tốt. Đi xa có chắc khỏi lo không? Ra chỗ hiểm có chắc khỏi hại không? Xông trận có chắc khỏi thua không? Đánh thắng có chắc khỏi tổn không? Lui mà không mất đất thì lui, lánh mà giữ được toàn thì lánh. Chạy mà có chỗ dụ địch, hàng mà có chỗ đặt mưu, bỏ mà có chỗ giữ; mất mà có chỗ thu, thế thì sự chạy, sự hàng, sự bỏ, sự mất, người hành binh phải dùng trí để xem cho có lợi.

Đại phàm dùng kế, không phải chỉ một kế mà làm riêng được, mà phải có mấy kế để giúp đỡ nhau. Lấy mấy kế giúp một kế, do trăm nghìn kế kén lấy vài kế. Cho nên người khéo dùng binh định làm kế gì, cốt phải thực hành. Vận dụng khéo tất phòng tổn thất; lập mưu phải lo sự thay đổi; sai tướng phải ngừa sự trái lệnh; chước này bị ngăn trở thì chước kia nảy ra; một mối đến mà mấy mối nổi lên; trước chưa làm mà sau lại đủ. Trăm kế lần lượt nảy ra, không sót chước nào. Tuy tướng trí giặc mạnh cũng có thể chế được ngay.
*
*   *

Sách Tôn tử:

Phàm giữ chiến địa trước để đợi địch thì nhàn; đến chiến địa sau mà mưu thắng thì nhọc. Cho nên người giỏi đánh, khiến người đến mà không bị người khiến đến. Khiến được người tự đến là lấy lợi mà nhử. Khiến người không được đến là lấy hại mà dọa. Cho nên địch nhàn thì có thể làm cho nhọc; địch no thì có thể làm cho đói; địch yên thì có thể làm cho động. Ra cái chỗ họ không tới; tới cái chỗ họ không ngờ. Đi nghìn dặm mà không nhọc, ấy là đi trong chỗ không người. Đánh mà muốn giữ được, phải đánh chỗ họ không giữ. Giữ mà muốn vững được, phải giữ chỗ họ không đánh. Cho nên người giỏi đánh thì địch không biết lối nào mà giữ; người giỏi giữ thì địch không biết lối nào mà đánh. Nhỏ nhặt thay nhỏ nhặt! đến không có hình. Thần tình thay thần tình! đến không có tiếng. Cho nên nắm giữ được tính mệnh của địch... Ta không muốn đánh thì vạch đất mà giữ. Địch không đánh được với ta, là vì ta làm ngang trái sự đi của nó. Cho nên ở người thì có hình mà ở ta thì không hình. Ta thì chụm mà địch thì chia; ta chụm làm một mà địch thì chia làm mười, thế là lấy mười mà đánh một, thế thì quân ta nhiều mà quân địch ít. Có thể lấy nhiều mà đánh ít, thì ta đánh với nó ít thôi vậy. Cái chỗ ta sẽ đánh với nó thì không biết được; không thể biết được thì nó phải phòng bị nhiều nơi; nó phải phòng bị nhiều nơi thì ta đánh với nó ít thôi
1.
*
*   *

Bốn điều khó: Chẹt quân địch đã hằng chiến thắng mà cướp chỗ đất tất phải tranh thì khó tiến; ở chỗ thành cô nguy mà làm chước đóng giữ lâu dài thì khó giữ; quân ngựa không đủ, trưng điệu
2 không đáp ứng thì khó đánh; tiền lương thiếu thốn, chuyên chở chậm chạp thì khó thắng. Binh mã lương liền không đủ, không phải tội ở tướng quân; binh mã lương tiền không tiếp đến thì đừng đem ba quân mà thử chơi. Triều đình phải chịu trách nhiệm. Biết được sự khó thì thành dễ vậy.
_______________________________________
1. Tôn tử, thiên VI.
2. Trưng điệu; Tức là lấy lương và lấy binh ở dân.

*
*   *

Trong thế dùng binh, có khi nên hoãn, có khi nên cấp; nếu thế của ta và của địch ngang nhau, mà ở ngoài địch có viện mạnh, sợ có sự lo ở chỗ lòng bụng, thì nên đánh. Nếu địch mạnh ta yếu mà không có viện ở ngoài, thì nên ràng buộc giữ lại để chờ nó chết. Binh có khi có tiếng trước mà sau có thực; có khi có tiếng trước mà sau không có thực, đó là chỗ thần diệu của binh. Tiếng là tiếng sắp đánh, khiến cho địch sợ hấn khích
1. Đã cướp được tinh thần rồi, thì sau mới làm cái thực của binh2.
*
*   *

Võ hậu hỏi: Ta muốn xem bề ngoài của địch để biết được bề trong; xét sự tiến để biết sự dừng lại mà định sự được thua, có thể nói cho nghe không? Khởi thưa: Quân địch đi đến, nhởn nhơ không lo, cờ xí rối loạn, người ngựa ngơ ngác, thì một người có thể đánh được mười người, hẳn khiến họ không thể kịp trở tay. Các nước chư hầu chưa họp, vua tôi không hòa, hào lũy chưa sửa, lệnh cấm chưa ra, ba quân xôn xao, muốn tiến không tiến được, muốn đi lại không dám, lấy một nửa mà đánh gấp đôi, trăm trận cũng không nguy
3.
*
*   *

Phàm địch tất có nhằm chỗ cậy mà hành động. Trước hết ta phải xem nó nhằm vào đâu mà cướp mất chỗ cậy ấy đi. Địch cậy có mưu sĩ thì ta phải khử đi; địch cậy ở tướng giỏi thì ta phải triệt đi; cậy ở người thân tín thì ta phải làm cho xa đi; cậy ở danh nghĩa thì ta phải phá đi; hoặc làm ngờ mà lay cỗi gốc; hoặc nhắm trúng vào chỗ yếu hại; hoặc làm hỏng mưu bí mật; hoặc làm lìa bọn thân tín; hoặc phá mất chỗ nương tựa; hoặc phá cả chỗ lợi quen. Người có nhãn (chỗ cậy) thì sáng, chơi cờ có nhãn (mắt) thì nhanh, dứt mất cái nhanh, diệt mất cái sáng (tức chỗ cậy), há không phải lấy điều cốt yếu để chống địch sao?
_______________________________________
1. Hấn khích: Tình hình chống chọi đánh nhau.
2. Tức là mới đánh thực.
3. Ngô tử, thiên II.

II – QUYẾT CHIẾN

Ban ngày lên thang mây để trông xa, đặt cờ ngũ sắc để làm hiệu; ban đêm đặt muôn ngọn đuốc hiệu, đánh trống lớn, giục trống trận, thổi kèn loa.

Sách Võ kinh
1:

Võ vương hỏi: Nửa đêm giặc đến đánh ta ở trước sau thì làm thế nào? - Thái công thưa: Như thế gọi là chấn khấu
2, lợi ở ra đánh, không nên bền giữ. Kén quân giỏi của ta, chia làm tả hữu, đánh mau ở trước, đánh gấp ở sau, quân nó phải loạn, tướng nó phải sợ. - Võ vương hỏi: Ban đêm ta đương đi, địch ngăn đón trước sau, quân ta không thể tiếp nhau được thì làm thế nào? - Thái công thưa: Phải xét rõ hiệu lệnh của ta, cho quân nhuệ sĩ ra, mọi người cầm đuốc lửa, hai người cũng đánh trống, tất biết quân địch ở đâu, hoặc đánh ở trong ở ngoài, mà khiến nó cùng biết. Khiến tắt lửa và im trống, trong ngoài đều ứng, hẹn nhau đều đúng, ba quân đánh mau, quân địch ắt thua. Thế nên bảo rằng đánh ban đêm phải có nhiều trống và đuốc vậy. - Võ vương hỏi: Quân địch nhiều quân ta ít, thế không tương đương thì làm thế nào? - Thái công thưa: Kén quân giỏi của ta, phục ở tả hữu, bày vững trận mà khiến quân địch qua đó, quân phục giương nỏ bắn ở hai bên, hoặc trước hoặc sau, quân địch hẳn phải chạy... Hàng ngũ đã định, quân lính đã bày, pháp lệnh đã ra, quân kỳ quân chính đã đạt, đều đặt quân xung trận ở ngoài núi, tiện cho quân ở đâu thì chia quân xe và quân kỵ làm trận ô vân3, ba quân đánh mau, thì quân địch dẫu nhiều, tướng cũng bị bắt. - Võ vương hỏi: Ta muốn lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh thì làm thế nào? - Thái công thưa: Lấy ít đánh nhiều, thì phải nhè lúc mặt trời đã chiều, nấp ở nơi cỏ rậm, đón ở nơi đường hẹp. Lấy yếu đánh mạnh thì phải nhờ được nước lớn ủng hộ và các nước láng giềng giúp đỡ... Thái công thưa: Dối đặt mưu nhử để huyễn hoặc người tướng, khiến họ dời qua đường khác mà đi qua nơi cỏ rậm, theo lối đường xa, làm cho đến lúc trời chiều, quân đi trước chưa sang được sông, quân đi sau chưa kịp tới, cho phục binh ta nổi dậy, đánh mau vào hai bên, cho quân xa kỵ làm rối loạn cả trước và sau, quân địch dẫu nhiều thì tướng cũng phải chạy. Thờ vua nước lớn, bạn với kẻ sĩ nước lớn, hậu của, nhún lời, như thế thì được nước lớn ủng hộ và nước láng giềng giúp đỡ. -.Võ vương hỏi: Thập thắng (mười phần thắng cả) là thế nào? - Thái công thưa: Quân địch mới đến, hàng trận chưa định, trước sau không liên lạc, hãm quân tiền kỵ, đánh cả bên tả bên hữu, địch ắt phải chạỵ. Hàng trận của địch tề chỉnh kiên cố, sĩ tốt muốn đánh. Quân kỵ của ta cứ ở bên mà quanh quẩn đó, hoặc ruổi mà qua, hoặc ruổi mà lại, nhanh như gió, dữ như sấm, ban ngày như đêm tối, hằng đổi hiệu cờ và thay y phục, như thế hẳn thắng. Quân địch không có nơi hiểm trở giữ bền mà vào sâu đuổi dài, ta dứt đường vận lương thì địch hẳn đói. Quân địch trở về buổi chiều hôm, quân đông, hàng trận hẳn rối loạn. Hạ lệnh cho quân kỵ ta 10 người thành một đội, 100 người thành một đồn, 5 xe làm một tốp, 10 xe làm nhóm, dựng nhiều cờ hiệu, xen lẫn nỏ cứng, hoặc đánh ở hai bên, hoặc chặn ở trước sau, thế thì có thể bắt được tướng địch. Đó là phép thập thắng của kỵ binh vậy. - Võ vương hỏi: Quân bộ đánh với quân xa kỵ thì làm thế nào? Thái công thưa: Quân bộ đánh với quân xa kỵ, phải dựa vào gò đống hiểm trở, binh khí dài và nỏ mạnh ở trước, binh khí ngắn và nỏ cứng ở sau, khi phát khi nghỉ, xa kỵ của địch dẫu nhiều mà đến, ta cứ bền trận đánh nhanh, đặt quân giỏi nỏ mạnh để phòng bị ở sau. - Võ vương hỏi: Thí dụ bây giờ ta không có gò đống, không có chỗ hiểm trở, mà quân địch đến đánh, thì làm thế nào? - Thái công thưa: Sai quân sĩ ta làm mộc mã4 và chông tật lê5, đặt đội ngũ trâu ngựa, làm thành bốn trận võ xung; trông quân xa kỵ của địch sắp đến thì đều đặt chông, đào đất quanh ở sau, rộng sâu 5 thước, gọi tên là mệnh lung6. Người thì cầm mộc mã mà tiến bước, dàn ra làm lũy, mà trước sau thì dựng thành đồn; quân giỏi nỏ mạnh phòng bị hai bên tả hữu, rồi sau ra lệnh cho ba quân đều đánh mau mà đừng trễ nải. Võ vương khen phải.
_______________________________________
1. Phần Lục thao.
2. Giặc sét.
3. Trận ô vân: nghĩa là quạ bay tan, mây hợp lại biến hóa vô cùng.
4. Cũng gọi là cự mã mộc, tức cản gỗ giống hình con ngựa để chống ngựa.
5. Chông tật lê là thứ chông sắt hình như quả tật lê có gai bốn phía.
6. Cái lồng trí mạng.

*
*   *

Phàm việc binh là cái cửa chết, không thể đem cái lòng tham sống mà xử trí được. Có bụng muốn tự giữ trọn thì hẳn phải mất; có kế muốn lui nghỉ thì hẳn bị phá; muốn giữ vẹn vợ con, vợ con tất bị bắt; muốn giữ vẹn nhà cửa, nhà cửa tất bị diệt. Người khéo dùng binh, chỉ có tiến mà không có lui, tuy lui là để giúp cho tiến; có trước mà không có sau, tuy sau là để giúp cho trước; có chóng mà không có chậm, tuy chậm là để giúp cho chóng; có đánh mà không có giữ, tuy giữ là để giúp cho đánh; có toàn mà không có nửa, tuy nửa là để giúp cho toàn.

Đánh mà khó thắng thì chống; đánh mà tĩnh dục
1 để chống. Dựa thành để chống, mà cái chỗ cậy không phải là thành; vững vách để chống, mà cái chỗ cậy không phải là vách; giữ núi để chống, cách sông để chống, mà cái chỗ cậy không phải là núi và sông. Phải nghĩ là có thể yên có thể nguy, có thể tạm có thể lâu. Tĩnh thì mưu, động thì có lợi. Cách chống đánh có mấy trăm mối; khi nhiều khi ít, khi hợp khi nhân, khi tiến khi gặp; khi xông mà đập, khi nhân mà đánh, khi lần lượt, khi bám sát, khi hoãn, khi chóng, khi lớn, khi nhỏ, khi lâu, khi tạm, khi đuổi, khi chống, khi nối, khi chẹt, đều phải hợp hòa với phép. Quân ngựa, quân bộ, đóng đội, đóng dinh, dàn trận, cắm lũy, sắp hàng, xông tới, theo sau, họp lại, tản ra, nghiêm phép, riết lệnh, dạy thử, so sánh, nước lửa, thuyền bè, xe cộ, đều phải cho đúng. Ngày đêm rét nắng, gió mưa mây móc, sớm tối trăng sao, sấm sét băng tuyết, đều phải theo thời. Hang núi, sông chằm, rộng hẹp, xa gần, bờ biển, rừng sâu, đất bùn, hang hố, ngõ hẻm, đường rộng, bãi cát, hang đá, cửa ải, đều phải theo địa thế.

Đến như thì hành kế sách thì phải mưu mẹo, khích lên, ứng lại, nhử mồi, dụ dỗ, hư trương thanh thế để đánh úp, đặt phục, khêu chọc, cướp bóc, bày đặt sự cưới gả, đón đường triệt đánh, tiếp gót đi theo, khi nắm cơ thì tự phải biến hóa, lánh ẩn, trang trí trò thần vật, bày đặt trò ma quỉ, bụi bặm đầy đồng, khói đuốc mù chói, đào dưới đất, bay trên không, thậm chí chẳng lúc nào là không xông pha xô đẩy, giáp quanh vây ập, áp bức dữ dội, luôn luôn làm cho khiếp sợ, say sưa cạm bẫy để tỏ mạnh bạo; thậm nữa thì làm cho đói mệt đau khổ, ép bức lẻ loi cho phải vỡ mà đầu hàng, lừa bắt cho giận tức, khích thêm máu hăng cho liều đánh, chợt sợ chạy về sau, rồi tiếp cứu cho qua nguy; võ khí tinh, kỹ thuật giỏi, có thể đánh tràn cả Hoa Di, đó mới là danh tướng.
*
*   *

Sách Kinh thế:

Xin nosi phép đánh: Địch mạnh thì nên dùng lối đánh tỉa. Địch ngang sức nên dùng lối đánh đường hoàng. Địch yếu nên dùng lối xông vào giày xéo, ngựa bọc giáp, quân bộ mạnh dạn, xông vào đi lại đánh giết, khiến cho địch tan tành. Thế gọi là phép nhân địch yếu, lấy mạng của ta chống kẻ yếu. Nhưng lấy yếu của ta mà chống kẻ mạnh, thì mình phải đánh trước, tả hữu chia nhau mà cướp, đó gọi là phép đánh vào chỗ mềm mà tranh thắng. Dự lập thế trận lạ, mở, chia, cắt, chặt; địch đột thì cho vào; địch xông thì ta xé; làm tan thế địch mà giữ vẹn sức ta; nỏ cùng mác hết thì bấy giờ quân phục mới dậy. Thế gọi là phép uốn mạnh chuyển đánh vậy. Nếu chưa đánh thì phải phòng bị giặc chợt đến. Đánh lui thì lo giặc ập đến. Thua chạy thì đừng ngả cờ, khiến địch không dám tới sát. Thắng thì đuổi rất nghiêm, khiến quân phục của địch không thể vùng dậy đánh. Nếu được như thế thì tiến có thể không thua, lui có thể không chết; cùng với ba quân quay đuổi nhau trong khoảng gió tung chớp giật, thì nhất định nắm được cơ thắng vậy.
_______________________________________
1. Chữ hán, nghĩa là lặng sạch ham muốn. Liên hệ với chữ “tĩnh thì mưu” ở dưới, có lẽ nghĩa là yên lặng trù mưu mà chống.

*
*   *

Thay đổi (canh).

Việc võ không nên nhàn. Quân đóng liền trong cõi, đánh luôn không nghỉ, thế mà muốn cho quân không mỏi mệt được sao? Duy có một cách là thay đổi thôi. Ta đánh một lần mà người ứng mấy lần thì người nhàn mà thành nhọc; người đánh mấy lần mà ta mấy lần nghỉ thì ta đảo nhọc thành nhàn. Nhàn thì có thể làm được việc; nhọc thì có thể thua. Không đem hết sức của cả quân cung cho việc đánh, thì thua có thể không lo, mà đánh thì cũng không rối.
*
*   *

Nếu ta đi cướp dinh giặc, lặng lặng kín kín, ngậm tăm lẻn đi, đến cách dinh giặc một nửa dặm đất thì ta mới đánh, đồng tiếng la to, nhưng không nên vội tiến, xem ở trong dinh, hoặc kêu rối rít, hoặc chạy tứ tung, thì ta thừa thế đánh tới, có thể thu toàn thắng. Nếu thấy nó im lặng không động, lâu không có hơi tiếng gì, đó hẳn là có phòng bị, quyết không thể tiến lên trước được, tức phải kết trận mà lui chóng, không nên khinh thường.

Phàm khi chặn định, tất trước phải để đất dư; binh có đất dư để khỏi vội vàng khi lâm sự. Khi hai quân đã cử binh, thì cố nhiên ứng theo đại thế mà đều lên. Nhưng đội ở mặt trước phải cho thưa đều, mặt sau thời lưu lại 5, 7 đội chỉnh tề để chờ, một là có thể giúp uy cho đội trước, một là có thể thay phiên mà lần lượt ra đánh, một là ta có dự bị để tiếp ứng mà ra quân kỳ. Nếu nhất khái cử cả tới trước thì không khỏi có sự xô đẩy mà trở thành vướng tay, lại không có thể trong ngoài nương nhau mà ra quân kỳ được. Đó là bí pháp làm cơ vậy, tướng sĩ các người đều nên nhớ kỹ.
*
*   *

Sách Tôn tử:

Cho nên việc binh nghe vụng mà chóng, chứ chưa từng thấy khéo mà lâu. Việc binh kéo dài mà lợi nước, chưa từng có vậy. Cho nên không biết hết cái hại của sự dùng binh thì không thể biết hết cái lợi của sự dùng binh
1.
*
*   *

Phàm đánh trận, phải trở lưng ra gió và nơi cao; bên hữu cao thì bên tả phải hiểm; qua chỗ nước chảy, chỗ đất lún thì nên ở vào nơi cao. Phàm đuổi vào đất giặc, tất có đường tiến. Lui thì phải lo có đường trở về.

Phàm đánh, kính nể thì hiềm nghi; đốc suất thì phục; trên bấn rộn thì khinh; trên nhàn rỗi thì trọng; tường cậy được là nhờ có dân; dân đánh được là nhờ có khí. Có khí thì đánh, không có khí thì chạy. Hình chưa gia, binh chưa tiếp mà đã cướp được địch, đó là quân của vương giả.

Phàm chưa gia hình mà đánh, dù quân nhiều cũng phải tan; thấy lợi mà đánh, dù quân ít cũng thắng, lợi là chỗ sở đoản của nó mà là chỗ sở trường của ta là thế. Thấy lợi thì dậy, không thấy lợi thì thôi. Thấy lợi thì nhân lấy thời; thời là cái đến không đầy chớp mắt, trước thì thái quá, sau thì bất cập. Sấm mạnh không kịp che tai, chớp nhanh không kịp nhắm mắt, tới thì như sợ, dụng thì như điên, người như thế thì lợi ở sự đánh người.

Quân ta bị địch vây, có thể quyết chiến có ba điều: Ngoài không có quân viện, đó là một điều nên đánh. Người mạnh ngựa khỏe, binh giáp sắc bền, mà lương chứa không đủ, đó là hai điều nên đánh. Thành trì không vững, người ngựa túng thiếu, đó là ba điều nên đánh. Đánh là do dũng khí, một lần trống thì khí bốc lên; hai lần thì khí suy; ba lần thì khí kiệt. Nó kiệt mà ta đầy cho nên ta thắng.

Nó đi bộ, ta đi xe, hễ gặp thì ta chẹt; cứ xếp mười xe một, tất đánh thắng... Đánh nhau với giặc Hồ, mây hợp khói tan, biến thái không thường, trong khoảng và bước thế cũng khác nhau; tới kỳ chợt ứng chỉ trong khoảng thở hút, thế mà hễ động là hỏi đại tướng, gặp việc đối phó không kịp, đó là không biết sự biến chuyển của binh vậy. Cho nên ta khiến quân biết ý tướng, tướng biết tình quân, theo đó mà đi, như cánh tay sai khiến ngón tay, quân tướng cùng quen, người đều tự đánh, như thế chẳng hay ư? Bày trận rồi sau mới đánh, đó là lẽ thường của binh pháp; vận dụng tài tình là do ở lòng.
_______________________________________
1. Tôn tử, thiên II.

*
*   *

Sách Tôn tử:

Ba quân có thể đoạt được khí, tướng quân có thể đoạt được lòng. Ấy cho nên buổi sáng thì khí hăng hái, ban trưa thì khí uể oải, buổi chiều thì khí suy kiệt. Người giỏi dùng binh tránh lúc khí hăng hái, đánh ở lúc khí uể oải và suy kiệt; đó là cách trị khí vậy. Lấy trị mà đợi loạn, lấy yên tĩnh mà đợi ồn ào, đó là cách trị tâm vậy. Lấy gần mà đợi xa, lấy nhàn mà đợi nhọc, lấy no mà đợi đói, đó là cách trị lực vậy. Đừng đón cờ chính chính
1, đừng đánh trận đường đường2, đó là cách trị biến vậy.

Cho nên phép dùng binh, gò cao chớ hướng vào; quay lưng vào gò chờ đón; giả chạy chớ theo; quân sắc chớ đánh; chớ ăn mồi nhử; chớ cản quân về; vòng vây tất bỏ hở; chớ đuổi giặc cùng. Đó là phép dùng binh vậy
3.
*
*   *

Người giỏi dùng binh, lấy dụ dỗ đối người về theo, lấy yên tĩnh đối người nóng nảy, lấy trọng đối khinh, lấy nghiêm đối trễ, lấy trị đối loạn, lấy thủ đối công.

Đại yếu việc quân có ba điều: có thể đánh thì đánh, không thể đánh thì giữ, không thể giữ thì chạy, trừ ba việc ấy ra, chỉ còn việc chết thôi.

Thế mà nên có năm điều: 1) thừa thế; 2) khí thế; 3) giả thế; 4) tùy thế; 5) địa thế.

Phàm khi mới đánh vỡ được quân địch lớn, tướng sĩ hăng đánh, uy danh lừng lẫy, nghe đều khiếp sợ, quay cái thế đó mà đánh người, đó gọi là thừa thế. Tướng có uy đức, bộ ngũ chỉnh tề, quân có dư sức, tiếng tăm đều biết, mạnh như sấm sét, đó gọi là khí thế. Quân lính ít ỏi, trống cờ rộn rịp, trương làm nghi binh, khiến quân địch sợ hãi, đó gọi là giả thế. Nhân địch mỏi mệt trễ nải mà đánh úp, đó gọi là tùy thế. Tiện cho can qua, lợi cho bộ kỵ, tả hữu trước sau, không có chỗ hãm ẩn, đó gọi là địa thế. Người dùng binh mà nhận được năm thế ấy, chưa có ai là không có thể theo kẻ trốn đuổi kẻ thua mà dựng nên công to.

Thế mà thua có ba điều: 1) tỏa thế; 2) chi thế; 3) khinh thế.

Thua nhiều trận, quan và quân sợ đánh giặc, đó gọi là tỏa thế. Tướng không có uy đức, mưu kế, thưởng phạt không đáng, lòng quan và quân phần nhiều tan rã, đó gọi là chi thế. Quan và quân ồn ào, không theo lệnh cấm, bộ ngũ không nghiêm, đó gọi là khinh thế. Phàm dùng binh có ba điều ấy, chưa thấy có ai không tan quân chết tướng bao giờ. Phàm được quân địch tỏa thế thì có thể tự ngoài đánh được; địch bị chi thế thì có thể tự trong mà đánh; địch bị khinh thế thì có thể xông đánh. Đó là tùy ba thế bại mà đánh vậy.

Quân sắp ra đánh, nên biết gió mùa thổi hướng nào, nếu gió thuận thì gọi mà theo ngay, gió ngược thì bền trận mà chờ đó; trước xét ở trí ta, bảo là thiên quan
4 mà là nhân sự thôi.
_______________________________________
1. Hễ thay quân địch cờ xí đường hoàng thì không nên đón đánh.
2. Hễ thấy quân địch bày trận nghiêm chỉnh thì đừng nên đánh.
3. Tôn tử, thiên VII.
4. Thiên quan: Chức quan xem thiên văn và thời tiết.

*
*   *

Ngày xưa ở thượng lưu mà mưu nổi loạn; đều vì trì hoãn mà đến thua. Hưu-phạm
1 rút bài bọc cũ, đem quân xuống gấp để nhân sự không phòng bị của quân ta. Nay nên đóng quân ở Tân-đình và Bạch-hạ2, bền giữ cung thành, giữ thành Thạch-đầu để chờ giặc đến. Quân lẻ loi đi xa nghìn dặm, không chứa lương thực, cầu chiến không được, tự nhiên sẽ tan như ngói vỡ. Tôi xin đóng ở Tân-đình để chống mũi nhọn, chắc phá được giặc.

Ruộng ở Giang-bắc gặt hơi muộn, ruộng nước ở Giang-nam chín sớm, tính mùa thu hoạch của nó, ta trưng chút ít binh và ngựa, nói phao đánh úp, nó hẳn đóng quân để chống giữ, bỏ công việc mùa màng. Nó đã giữ binh thì ta bèn cởi giáp, hai ba lần như thế, nó cho đó là việc thường, sau ta họp quân, nó hẳn không tin, trong lúc do dự, ta bèn cho quân sang sông, đổ bộ mà đánh, khí quân thêm bội. Giang-nam đất xấu, nhà phần nhiều làm bằng tranh tre, kho chứa phần nhiều không phải là hầm dưới đất; nên bí mật sai người nhân gió phóng lửa. Chờ nó sửa dựng, rồi lại đốt lại. Không đầy vài năm, tài lực kiệt hết.

Binh pháp quý ở đánh nhanh; chủ thì quý ở trì trọng. Ngày nay nhà nước đủ ăn đủ quân, nên bền giữ lấy Đài-thành, theo ven sông Hoài mà lập rào phên. Bắc quân dầu lại, ta đừng giao chiến, nên chia quân cắt đứt đường sông, không cho nó thông được tin tức, và xin cấp cho thần một vạn tinh binh, ba trăm thuyền Kim sí, xuống sông đi qua chụp lấy Lục-hợp
3. Đại quân nó hẳn cho là ta sang sông thì tướng sĩ nó đã bị bắt tù, tự nhiên tỏa khí. Nhân sĩ đất Hoài-nam vốn cùng thần quen biết, nay nghe thần đến hẳn là theo ngay. Thần lại nói phao là lại đến Từ-châu, chặn đứt đường về của nó, thì các quân nó không đánh cũng tự rút đi. Đợi nước mùa xuân ngập sông thì quân Chu La-hầu4 hẳn theo dòng mà đến cứu viện. Đó là chước hay vậy.
_______________________________________
1. Thời Nam Tống, Lưu Dụ, Vương Hưu-phạm phản, Tiêu Đạo-thành (sau là Nam Tề Cao đế) đem quân đi đánh. Khi đến Tân-đình, thành lũy chưa đắp xong mà quân của Hưu-phạm đã đến Tân-lâm. Đạo-thành cởi áo nằm khềnh ở Tân-đình để yên lòng quân.
2. Tân-đình và Bạch-hạ đều ở huyện Giang-ninh, tỉnh Giang-tô. Vua Vũ-đức nhà Đường đóng ở Kim-lăng, đổi Kim-lăng làm Bạch-hạ, dời trị sở đến thành Bạch-hạ cũ.
3. Huyện Lục-hợp thuộc đạo Kim-lăng tỉnh Giang-tô.
4. Chu La-hầu người ở Tầm-dương, làm quan nước Trần (Nam Bắc triều). Sau Tấn vương Quảng (tức Tùy Dạng đế sau này) đánh Trần, bắt được Trần chúa, La-hầu hàng.

*
*   *

Đồ chống tên đạn của quân bộ. Phàm cung nỏ không thể bắn gần được, nên chẻ tre làm cái bung xung tròn, ước chừng mười ôm, có thể che được thân người, trong chứa rơm rạ và bẹ chuối để phòng súng đạn; đầu đuôi hai người đun một cái bung xung, những quân nhanh khỏe đều cầm đao sắc, lá chắn, phục ở sau bung xung; phải tiến đến sát quân giặc, người lăn bung xung cắt đứt dây, quân phục chồm dậy, lá chắn và gươm múa loạn lên, cung tên của giặc không kịp trở tay.

Phép chống voi. Xưa kia đời vua Thành-tổ nhà Minh đánh Man Diến-điện
1, đem 30 vạn quân và hơn 100 con voi đến cướp Định-viễn, vua Minh sai Mộc Thạnh và Anh Mã-thành đi đánh, bắt được voi đem về. Anh nói: “Giặc không cần phá”. Bèn xuống lệnh đặt nhiều súng lửa và tên thần, chia tướng sĩ ra làm ba hàng. Voi họ đến gần thì súng tên ở hàng trước đều bắn; nếu voi chưa lui, thì hàng hai kế bắn; rồi tiếp đến hàng ba, voi tất quay chạy. Rồi lấy đại quân thừa thế mà đánh. Uớc thúc đã định. Ngày mai quả nhiên giặc2 lùa hơn trăm voi đi hàng đầu. Mộc Thạnh cứ y theo phép đó, giao phong bắn súng, núi hang vang động, voi đều quay trở về, quân giặc cả vỡ. Minh Thành-tổ sai Mộc Thạnh đem quân vào nước ta đánh Hồ Quý Ly. Giặc3 lại ở trong thành4 bày voi tiếp chiến. Du kích tướng quân Tống Quảng dùng lốt sư tử vẽ khoác vào ngựa; thần cơ tướng quân La Văn dùng súng thần cơ đi sát bên mà tiến. Voi bị thương, đều lùi chạy cả. Quân Minh đuổi dài mà tiến. Quý Ly trốn chạy.

Năm Kỷ dậu người Thanh sai tổng đốc Lưỡng Quảng sang nước ta đánh giặc để khôi phục thành nhà Lê. Ngụy Tây
5 bày voi xông trước; người Thanh làm mộc mã để cản, lại đào hố để sập voi, chước đó rất mầu, song lại thất thủ, vì trong cái mầu có cái chưa mầu. Nên khéo ngầm đào hầm hố, cách xa ngoài lũy ước một dặm, lấy cỏ phủ ở trên hầm, rồi đem đất cát phủ lên trên. Đại chiến hồi lâu, giả cách thua chạy, voi thừa thắng đuổi theo hẳn sa xuống hố. Mộc mã thì có dây buộc xâu liền với nhau để cản không cho voi xông đến. Như thế thì hẳn không thua.

Phép chống ngựa. Người xưa dùng mộc mã để chống ngựa là phép ấy vậy. Nhưng phải lấy dây sắt buộc xuyên liền nhau; có thể dùng để chống cả voi nữa. Lấy vải vẽ lốt hổ mà trùm cho ngựa để cho ngựa của giặc phải sợ, vì ngựa thấy hổ thì sợ rẹp xuống.
*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:

Phép đánh ban ngày. Phàm đánh trận ban ngày cần phải có nhiều cờ xí để làm loạn tai mắt của địch, hoặc tản ra làm nghi binh để chia thế địch.

Phép đánh ban đêm. Phàm đánh trận ban đêm, phải dùng nhiều trống và lửa để làm rối lòng địch, hoặc làm nghi binh ở nơi khác mà chia quân, hoặc ngồi ở ruộng cạn mà cướp trại.

Phàm quận địch đặt nhiều đồn mà ta muốn đánh, thì tất phải phô trương thanh thế, giả cách vào đánh đồn này, các đồn kia lại cứu, ta nhân cơ hội mà đánh vào những đồn bỏ không, thấy địch rối loạn rồi thì đánh luôn cả.

Nếu quân giặc giữ nơi yếu hại của ta, chặn hết bến cầu của ta, triệt đường lương cỏ của ta, họp quân vây ta, ta nên đem quân tránh đi để tìm nơi khác.

Quân địch đánh ta mà ta không muốn đánh thì ta dùng quyền biến để cho họ ngờ. Giặc ngờ mà không dám đánh gấp, thì ta xem hễ nhuệ khí nó suy dần, thế không mạnh lắm, thì có thể kíp sai quân đánh.
_______________________________________
1. Diến-điện cũng bị người Trung-quốc xưa xem là Man Di.
2. Tác giả theo quan niệm phong kiến, gọi nước bị xâm lược là giặc.
3. Theo quan niệm phản động của vua quan nhà Nguyễn thì Quý Ly là người thoán đoạt, nên họ gọi là giặc.
4. Đây là thành Đa-bang.
5. Vua quan nhà Nguyễn gọi Tây-sơn là ngụy.

*
*   *

Sách Võ bị chế thắng chí:

Phép bố trận
1. Như quân địch đã chiếm trước nơi núi cao lũng lớn, được chỗ địa lợi rồi, ta muốn đánh, nhưng xét địa lợi thì không được, nếu đánh thì hẳn thua. Như thế thì nên đặt riêng cách lừa dối, khiến quân địch ngờ mà không dám đánh, đợi đến khi trời chiều, quân ngựa đói khát, quân muốn lui mà ý tướng chưa lui, quân muốn đánh mà tướng không thấy lợi không dám đánh, ta bèn sai tướng nhỏ lãnh máy đội ngựa khiêu đãng2 đi trước, đến gần nơi núi cao lũng lớn mà trương thế quân, hoặc nói phao là đánh dinh trại địch, đón dứt lương cỏ, hoặc nói là phát binh dời đường, đánh vào hậu đội, làm cho lòng địch do dự, thế quân đã động, khó mà chỉnh đốn lại được. Ta bèn dùng quân tráng sĩ, cung mạnh nỏ cứng, đánh tả đánh hữu, đột trước xông sau, khiến quân địch đầu đuôi không tiếp ứng nhau được, ngựa và bộ đánh lẫn lộn, thế thì địch có thể võ vậy.

Phép xuất chiến. Ta biết trước địa lợi tốt xấu thế nào, liệu thế địch có thể đánh được, như ngày nay phải đánh, đại quân đã ra thì kíp rảo đến chiến địa, khiến quân địch thảng thốt bày trận; nếu người ngựa của nó chưa định, cờ xí chưa chỉnh, trận thế chưa xong, ta có thể thừa thế đánh luôn, tất có cơ thắng. Sách Tam lược nói “Đánh như sông vỡ, đánh như sấm vang”, là thế đó.

Phép bố trận tác chiến. Lãnh ba quân, kể có 33.500 người, có thể bày một thế trận. Nếu gặp địch đánh thì hai bên đói no, nhọc nhàn, cố nhiên không như nhau. Nếu quân địch chia ra phần tiến phần dừng, thay đổi nhau mà đánh, thì quân ta đến chiều đã mệt sức rồi. Nên sai hai quân làm trận trước trận sau và một quân làm nghi binh để ứng khi gấp và bổ chỗ trống. Binh pháp nói: Mỗi nghìn người, phải kén ba trăm người làm binh kỳ, muôn người phải kén nghìn người làm binh kỳ, thường theo ở hai bên tả hữu đại tướng để ứng dụng trong khi cần kíp.

Phàm chiến đấu, đều phải dùng một người đầu hàng phó đội cầm đao áp ở phía sau, xem quân sĩ nào không vào trận thì chém, và người lãnh kiêm
3 cứng rắn cầm đao ở phía sau nữa để đốc chiến, xem người nào không vào trận thì chém. Quân lính hết thảy phải biết vế bên trái vai bên phải của mình, đi đứng phải đúng theo thứ tự.

Trận vuông cũng có thể thắng; trận tròn cũng có thể thắng; rối lộn cũng có thể thắng; tới chỗ hiểm cũng có thể thắng. Địch ở núi thì leo mà đi theo, địch ở vực thì lặn mà đi theo, tìm địch như tìm con mất, đi theo mà không ngờ, cho nên có thể đánh bại địch mà nắm lấy tính mệnh của nó. Phàm sớm quyết thì định trước, nếu kế không định trước, nghĩ không sớm quyết, thì tiến lui không định, lòng sinh ngờ thì hẳn thua. Cho nên binh chính thì quý dùng trước, binh kỳ thì quý dùng sau, hoặc trước hoặc sau, đều để chế địch cả. Thế tướng
4 không biết phép, chuyên mệnh lệnh mà làm, dũng trước khi đánh, nên không trận nào là không thua. Cất quân có ngờ mà lại không ngờ, chỗ đi có tin mà lại không tin, đến thì chậm nhanh khác nhau, ấy là ba điều luỵ của việc đánh trận vậy.

Phàm đánh trận thì đánh chỗ tĩnh yếu, lánh chỗ tĩnh mạnh; đánh chỗ nhọc mệt, lánh chỗ nhàn rỗi; đánh chỗ sợ lớn, lánh chỗ sợ nhỏ; đó là đạo lý từ xưa vậy.

Tôi xin hỏi thầy rằng: Phàm hay lấy ít mà thắng nhiều, lấy yếu mà địch mạng, lấy nhỏ mà chế lớn, thế mới gọi là thiện chiến. Nếu như ở khoảng đường dài đồng rộng, chiến kỳ đã ngặt, giặc đem hàng trăm vạn quân, đầy núi chật đồng kéo đến, mà quân ta ít và yếu, vội vã chưa phòng bị trước, chưa đặt phục xuất kỳ thì làm thế nào? Thầy trả lời rằng: Phàm quân họ xung mạo gió bụi mà lại, thế hẳn nhọc mệt, nếu ta kíp dùng phép xe súng mà đánh, thì dễ như trở bàn tay, sao đủ sợ nữa?

Người giỏi giữ giấu quân sâu chín tầng đất, người giỏi đánh hoạt động trên chín tầng trời, cho nên có thể tự giữ mà toàn thắng vậy. Thấy thắng bất quá là cái biết của mọi người, không phải là người giỏi ở trong người giỏi. Đánh thắng mà thiên hạ đều khen là giỏi, không phải là người giỏi ở trong người giỏi. Cho nên cất một mảy lông không phải là có nhiều sức, thấy mặt trời mặt trăng không phải là có mắt sáng, nghe tiếng sấm sét không phải là có tai thính. Đời xưa gọi là người giỏi đánh là hơn người dễ thắng vậy. Cho nên cái thắng của người giỏi đánh không có tiếng là trí, không phải công của dũng. Cho nên đánh thắng thì không sai, không sai là xếp đặt được sự thắng, thắng là thắng kẻ đã thua trước vậy. Cho nên người giỏi đánh thường đứng ở trên đất không thua, mà không bỏ lỡ cái thua của địch vậy. Ấy cho nên binh thắng thì trước đã nắm được phần thắng rồi sau mới cầu đánh, mà binh bại thì trước đánh rồi sau mới thắng. Người giỏi dùng binh sửa đạo giữ phép, cho nên mới hay làm được chính lược thắng bại.
_________________________________
1. Từ đây trở xuống, xem Võ bị chế thắng chí, quyển 5, chương “Bố chiến”.
2. Quân cưỡi ngựa đi trước để thăm dò.
3. Lãnh là người cầm một số quân, kiêm là người đi theo.
4. Tướng tầm thường ở đời.

Binh pháp nói1: Một là đo, hai là lường, ba là tính, bốn là cân, năm là thắng. Đất sinh ra đo, đo sinh ra lường, lường sinh ra tính, tính sinh ra cân, cân sinh ra thắng. Cho nên binh thắng như lấy dật2 mà cân thù3, mà binh bại thì như lấy thù mà cân dật. Sự đánh của kẻ thắng cũng như tháo vỡ nước chứa ở trên cao nghìn nhẫn, hình nó như vậy.

Điều đại yếu lúc lâm trận là ở sự thay phiên mà nghỉ và đánh, chia một toán quân ra làm mấy lớp, sắp đánh thì cho lớp thứ nhất ăn no, sai vào trận; kế cho lớp thứ hai ăn. Lớp thứ nhất mệt, tức điều động lớp thứ hai vào thay. Lớp thứ ba cũng như thế. Nên đổi phiên nhau như thế, thì quân thường được no, mà không đến nỗi khốn vậy.

Mỗi khi đánh thì cho giáo trường ở trước, ngồi mà không được đứng lên. Thứ đến cung rất mạnh, rồi đến nỏ rất mạnh, quỳ gối để chờ. Thứ nữa đến cung thần tý. Ví như ước trận đến trong 200 bước thì cung thần tý phải bắn trước, 70 bước thì cung nỏ mạnh đều bắn. Trận sau cũng thế. Thấy trận thì lấy mức cách nhau làm hạn, như móc sắt liền nhau. Đợi có người bị thương thì thay đổi người khác; gặp khi thay đổi thì dùng trống làm tiết. Quân kỵ thì ở hai cánh mà che phía trước. Trận đã thành thì quân kỵ lui ra. Thế gọi là lũy trận. Đánh trận bằng xe thì không nói ở đây.

Cho nên biết nơi đánh, biết ngày đánh, thì có thể xa nghìn dặm mà họp đánh được; không biết nơi đánh, không biết ngày đánh, thì tả không cứu được hữu, hữu không cứu được tả, trước không cứu được sau, sau không cứu được trước, huống là ở xa mấy nghìn dặm hay ở gần mấy dặm! Nếu sự suy tính của ta mà không hơn người thì dù quân có nhiều, cũng không ích gì cho sự thắng vậy. Cho nên sự thắng có thể làm được. Quân địch dù nhiều có thể khiến nó không chiến đấu. Cho nên tính thì biết được kế nên hay chăng, làm thì biết được là động hay tĩnh, xem hình thì biết được đất tử hay sinh, đua chọi thì biết được có thừa hay không đủ. Cho nên hình tột mực là ở vô hình; vô hình thì sâu, gián điệp không thể dòm, người trí không thể mưu được. Nhân hình mà đặt sự thắng vào quân, quân không thể biết. Người ta đều biết cái hình do đó ta thắng mà không biết được cái hình do đó ta chế thắng. Cho nên sự chiến thắng không thể lặp lại, mà ứng với hình thì vô cùng.

Kể ra hình của binh thì như nước. Hình của nước thì lánh chỗ cao mà rảo xuống thấp; hình của binh thì lánh chỗ thực mà đánh chỗ hư. Nước thì nhân đất mà nắm sự chảy của nó; binh thì nhân địch mà nắm sự chiến thắng.

Dám hỏi: Quân địch chỉnh bị sắp đến đánh ta thì ta đối phó thế nào? Trả lời: Tình
4 của binh là cần phải chóng. Thừa chỗ người không kịp, mà đi vào đường không ngờ, đánh vào chỗ không phòng bị vậy. Phàm làm quân khách, vào sâu đất người thì phải chuyên không đánh được người chủ ngay thì phải cướp lấy đồng tốt, cho ba quân đủ ăn, nuôi dưỡng cẩn thận, đừng bắt nhọc mệt. Gồm khí chứa lực, cùng phép binh, đặt mưu kế, làm cái không thể lường được, xông vào chỗ không có chỗ đi, chết cũng không chạy, mà chết sao được, vì quân lính đều hết sức. Quân lính chịu hãm thì không sợ; không có chỗ đi thì phải bền; vào sâu thì giữ; bất đắc dĩ thì đấu. Thế cho nên binh không sửa soạn mà có răn phòng; không cầu mà được; không ước mà thân; không hiệu lệnh mà tin. Phải rõ ràng điều cấm và bỏ sự ngờ vực, đến chết cũng không bỏ đi đâu. Quân ta có thừa của, không phải là ghét của đâu! Không có sống thừa, không phải là ghét thọ đâu! Ngày ra lệnh, quân sĩ ngồi mà nước mắt thấm áo, nằm mà nước mắt chảy quanh cằm. Xông vào chỗ không có chỗ đi thì cũng như dũng của Chuyên Chư và Tào Quệ5 vậy. Cho nên người giỏi dừng binh ví như con suất nhiên, suất nhiên là rắn Thường-sơn, đánh đầu thì đuôi nó đến, đánh giữa thì đầu và đuôi nó đều đến. - Dám hỏi: Có thể làm như con suất nhiên được không? - Trả lời: Được. Phàm người Ngô cùng người Việt rất ghét nhau, nhưng đương lúc đi cùng thuyền mà gặp bão thì cứu nhau như tay phải tay trái. Ấy cho nên buông ngựa chôn xe cũng không đủ cậy được mà phải cùng nhau mạnh như một người, đó là đạo dùng binh. Cho nên người giỏi dùng binh, nắm cả quân như sai một người, ai cũng phải làm, không ai không được.
________________________________________
1. Tôn tử, thiên IV.
2. 24 lạng làm một dật.
3. Một lạng là 24 thù.
4. Tình và hình là nội dung và hình thức.
5. Chuyên Chư là thích khách của nước Ngô thời Xuân Thu. Công tử Quang muốn giết vua Ngô, mời vua Ngô ăn tiệc, sai Chuyên Chư giấu dao trong bụng cá mà giết. Tào Quệ người nước Lỗ thời Xuân Thu. Tề bắt Lỗ phải nộp ấp trại. Khi về Lỗ họp nhau ăn thề. Tào Quệ cầm dao nhọn bắt hiếp Tề Hoàn công và nói lời khảng khái, Hoàn công phải trả lại đất cho Lỗ.

III – ĐẶT KỲ

Đồng cỏ rậm rạp để làm nơi trốn tránh; khe hang hiểm trở để làm nơi đỗ quân; ải tái núi rừng để lấy ít đánh nhiều. Nhanh như nước chảy, nhạy như máy nổ, là để phá thuật tinh; đặt phục đặt kỳ, xa trương lừa dụ, là để phá quân bắt tướng; xé bốn chia năm, là để đánh trận tròn trận vuông; nhân họ sợ hãi, là để lấy một đánh mười; nhân họ mỏi mệt không phòng, là để lấy mười đánh trăm; khua trống om sòm, là để làm mưu chước lạ; gió to mưa lớn, là để trói trước bắt sau; ngụy xưng là sứ của địch, là để cắt đứt đường lương; lộn sòng hiệu lệnh, ăn mặc như địch; là để phòng khi thua chạy. Hoặc nửa đêm sai người đến lũy địch, ở ngoài chín trăm bước, đều ra lệnh cho lớn tiếng la vang, hô cho rối lên, quân địch ắt loạn, thì nhân đó đánh luôn hẳn thắng.
*
*   *

Sách Võ kinh:

Thái công nói: Phàm điều cốt yếu của việc dùng binh, khi đương đầu với địch mà đánh thì phải đặt xung trận cho tiện chỗ quân ở, rồi sau dùng quân xa kỵ chia làm trận ô vân. Đó là phép kỳ trong sự dùng binh. Gọi là trận ô vân, nghĩa là quạ bay tan, mây họp lại biến hóa vô cùng vậy. Võ vương khen phải
1.
*
*   *

Sách Kinh thế:

Trên con đường chính, ta thì đi, địch thì lại, ta thì tranh, địch thì chống, không thể thành công được. Người dùng binh không ra ở chỗ đáng ra, mà ra ở chỗ không đáng ra. Chỗ thung lũng không đóng đồn, chỗ đường tắt không canh gác; chỗ đất không có thành, có thể đến đấy thì lợi, có thể đến đấy thì thắng. Chỗ tất đánh thì thường vững; chỗ thành tất đánh thì thường bền; thời giờ tất đánh thì người ta thường cảnh giác, không thể thành công được. Người giỏi dùng binh không đánh ở chỗ nên đánh, mà đánh ở chỗ không nên đánh. Muốn lấy bên đông thì đánh bên tây; nó hẳn không bỏ phía tây mà phòng phía đông. Muốn lấy phía sau thì đánh phía trước; nó hẳn không bỏ phía trước mà phòng phía sau. Đó là điều tình người không ngờ. Có thể lừa được thì thắng. Vạn người làm một quân, chẳng qua là vạn người. Năm vạn người làm một quân, chẳng qua là năm vạn người. Mười vạn người làm một quân, chẳng qua là mười vạn người. Ta có số quân ấy, địch cũng có số quân ấy, không thể thành công được. Người giỏi dùng binh thì không chuyên chú ở một quân. Ngoài binh chính còn có binh khác; ở chỗ không có binh mà đều là binh. Có du binh để quấy rối, có xuyết binh
2 để mà kéo dài; có hình binh để làm ngờ mắt họ; có cử binh để làm ngờ tai họ; là để làm rối thế của địch. Có thể làm rối được là thắng. Có mấy điều kỳ ấy là quân tất thắng. Ít có thể thắng nhiều, yếu có thể thắng mạnh. Xưa kia Đường Tử-thức ở nước Thục, cùng với bọn xá nhân3 được biếu một hũ rượu, năm người giữ lấy, bốn người yến tranh không thể được. Bèn chọn một tên nô lệ nhanh nhảu, bảo nỏ rằng: “Ta reo mà vào chúng nó phải bỏ hũ rượu đấy mà chống nhau với ta, thì mày kíp vào mà lấy rượu: lúc đó ta đánh lừa chúng nó là ta đánh phía tả nhà ấy, chúng nó hẳn đem hết quân mà chống ta ở phía tả, khi chúng nó thắng mà trở lại thì đã mất hũ rượu rồi”. Người giỏi dùng binh nên như Đường Tử-thức lấy hũ rượu, có thể bảo là người trí vậy. Con chuột bò ra, nhìn bên tả ba lần, nhìn bên hữu hai lần, tiến ra một tấc thì lùi lại ba lần, tiến ra một thước thì lùi lại hai lần. Ta cười cái trí của người vụng dùng binh cũng dáng như con chuột thập thò ra ngoài cửa lỗ vậy. Tình người ta bắt đầu thì sợ, lâu thì ổn định. Người sợ thì có thể quấy, người định thì không phạm được. Người giỏi dùng binh, nhân sợ mà làm trước  Địch đương sợ thì nghìn dặm không xa, bao lần cửa cũng không ngăn trở, trăm vạn quân cũng không nhiều. Người mang bánh khô, ngựa mang đậu hấp, gấp đường mà tiến, thâu đêm mà đi, như gió lướt, như sấm giật, chính đương lúc ấy thì vua tôi địch hoang mang, nhân dân tan tác, tướng sĩ không bền chí, đánh một nơi mà chín nơi tự vỡ, đánh bên đông thì bên tây tự vỡ, đánh phía nam thì phía bắc tự vỡ. Binh khí chưa dùng mà sự tan nát đã có thể thu được vậy.

Phàm đạo dụng binh, không gì thần bằng được cơ. Ly Chu
4 chưa soi đuốc, Mạnh Bôn5 đương ngủ say, đó là thời để dùng cơ vậy. Rình bắn con chim đã sợ, rình bắn còn thỏ chạy đi, trước sau không đầy chớp mắt, xa gần cách nhau không tới một phân, đó là cái hình dùng cơ vậy. Cơ một ngày không trở lại, một tháng không trở lại, một năm không trở lại, mười năm không trở lại, trăm năm không trở lại, thế nên người trí giả tiếc lắm.

Hai quân gặp nhau mà bày trận, hoặc quân ta ở xa mà lại, cái đêm mới đến, hoặc là cái đêm đối với địch chưa phân được thua, hoặc là cái đêm mưa gió tối tăm, hoặc là cái đêm quân ta chợt phải lo lắng, hoặc là cái đêm trong quân có việc cầu thần, yến tiệc, quân địch thường mưu nhân lúc ta mỏi mệt không phòng bị mà cướp dinh chiếm trại, cốt để làm cho ta xúc cảnh mà kinh lòng. Ban ngày ta nên tỏ ra vẻ rất mệt, rất bực, rất thê lương; đến buổi chiều thì vượt dinh, đặt quân phục, hờ dựng cờ xí, đèn lửa trong dinh chỗ sáng chỗ tắt xen nhau, không bỏ trống canh mà chờ đợi. Bốn bề đặt súng cho dày mà lặng nghe. Đợi khi quân địch vào phục, hẹn lấy 3 khẩu súng hay 5 khẩu súng, cứ đúng số mà đều bắn. Quân phục nghe số súng phù nhau thì bốn mặt vùng dậy. Nếu không ước định số tiếng súng thì sợ khi quân địch còn chưa vào cõi, tự bắn mấy tiếng đè thăm dò ý quân ta, quân phục ta dậy trước chỉ là vô ích. Khi quân phục đã dậy đón đánh, thì quân đại dinh theo sau mà giáp đánh. Sợ đêm tối không phân biệt được người này người khác thì khiến quân ta đều thổi một cái ống sậy làm hiệu để khỏi nhầm lẫn.

Nếu tính đường đất, địch có thể đến giờ ngọ thì tới, thì ta liền đêm dời dinh đến nơi đất hiếm có thể đặt quân phục ở cách hai ba chục dặm, chiếu theo phép vượt dinh đặt phục trước mà làm, khiến địch thấy dinh của ta bỏ không cho là ta nhát, ắt đuổi theo ta. Kịp khi đến dinh của ta thì mặt trời đã chiều, ta cứ theo như phép trước mà làm thì được. Vì lấy quân ít mà thắng quân nhiều, không khó nhọc thì không được; không phải đã chiều thì không được. Nếu gặp chỗ cỏ cây rậm rạp, nhân gió phóng lửa, lại rất dễ làm.
_______________________________________
1. Xem Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”, chương 48.
2. Xuyết binh: Binh để bổ xuyết, để bổ sung.
3. Chức quan nhỏ ở thân cận tả hữu một chức quan lớn.
4. Ly Chu: Tức là Ly Lân, người thời Hoàng đế, mắt rất sáng, trông xa ngoài trăm bước.
5. Mạnh Bôn: Lực sĩ thời Chiến quốc, Người nước Vệ, cũng có sách chép là Mạnh Thuyết.

*
*   *

Sách Võ kinh:

Thái tôn hỏi: Phép trận tứ thú lại lấy bốn âm thương vũ chủy dốc làm tượng là nghĩa gì? - Tĩnh thưa: Đó là cách đánh lừa vậy. Thái tôn hỏi: Có thể bỏ được không? - Tĩnh thưa: Giữ đó tức là bỏ đó. Nếu bỏ mà không dùng, thì lại càng là lừa dối lắm. Thái tôn hỏi: Thế là thế nào? - Tĩnh thưa: Mượn tên bốn giống thú và hiệu trời đất gió mây, lài thêm phối với thương là hành kim, vũ là hành mộc, chủy là hành hỏa, dốc là hành thủy, đó đều là cách lừa dối từ xưa của nhà binh. Giữ thế là thừa để lừa dối rồi, không cần thêm nữa. Nếu bỏ đi thì cái thuật khiến kẻ tham kẻ ngu do đâu mà làm được? Thái tôn nói: Khanh nên bí mật, đừng tiết lộ ra ngoài.
*
*   *

Sách Binh lược:

Như xưa Tây-sơn Nguyễn Huệ chống nhau với Thạc võ công
1 ở bên Thúy-ái, ra quân kỳ theo đường tắt mà vào thành nhà Lê, Chúa Trịnh vừa đi về miền Tây thì trong phủ đã dựng cờ Tây-sơn rồi.

Năm Kỷ dậu; tháng giêng ngày mồng 5, Nguyễn Huệ chia quân ra làm ba đạo cùng với quân Bắc
2 tiếp chiến, mà thủy binh tiến đậu ở sông Nhị-hà, đó là mưu chẹt đường về của quân Bắc vậy.

Làm tướng cầm quân mà không có thể nương dựa nhau thì thế nào cũng thua. Như Lý Hiển-trung
3 ở cuối đời Tống chống nhau với nhà Kim, mà Hoành Uyên thu quân về không cứu viện, để Hiền-trung quân cô không có viện, thua ở Phù-ly, đó là tội của Uyên vậy. Bắc triều đem quân, cùng quân Tây-sơn tiếp chiến, một trận mà thất thủ, vì cớ không có quân cứu viện vậy.
*
*   *

Binh pháp nói “Chẹt cổ họng giữ chỗ hư”. Như ba tướng Từ, Tôn, Lưu
4 vâng mệnh đi đánh giặc, giặc lại vào Thái-nguyên, toan do Bảo-định qua Cư-dung mà tiến đánh Bắc-bình. Tôn tướng quân đốc quân sáu vệ đủ để chống giữ Bắc-bình. Lưu nhân giặc không phòng bị, thẳng đến Thái-nguyên, đánh đổ sào huyệt của giặc. Giặc tiến thì không thắng được, lui thì không có chỗ dựa, nếu trở về Thái-nguyên thì đã bị Từ, Lưu khống chế rồi, tiến thoái đều không lợi, hẳn là bị bắt.

Bỏ chỗ thực mà đánh vào chỗ hư, đó là cái diệu của việc binh. Thực là nơi nhóm họp binh lương; đánh vào chỗ thực thì việc càng khó. Người giỏi dùng binh bỏ chỗ thực mà giã chỗ hư. Chỗ hư ấy là chỗ thực của ta, trên dưới chấn động, dẫu có bậc trí giả cũng không mưu tính gì được.

Có khi bỏ chỗ thực giã chỗ hư mà có được có thua. Như Hán Cao tổ làm khốn quân Sở. Hạng Vũ đem quân đánh Tề, quốc đô của Vũ bỏ không, Hán Cao tổ bèn đem quân chư hầu kéo thẳng vào Bành-thành. Đó là cái diệu biết giã chỗ hư vậy. Nhưng vì nảy sinh ra lòng ham muốn, thu được người đẹp và của báu, đặt rượu mở hội, không biết chẹt đường về của Hạng Vũ, cho nên khi Vũ nghe được tin, tự đem ba vạn tinh binh mà cả phá được quân Hán.

Lại ví như bày nghi binh ở một nơi khiến quân địch bỏ không nước để chống cự, ta bèn đem binh kỳ đánh thẳng vào chỗ hư, bao nhiêu kho tàng của địch bị ta chiếm cả, ta đắp lũy để giữ, đặt binh để phòng, khiến địch không có chỗ mà về, như chim vỡ tổ, như thỏ mất hang, không trốn vào đâu đtrợc. Đó là chước của Hàn Tín dùng mộc anh
5 để đánh nước Ngụy, dựng cờ đỏ6 để úp nước Triệu vậy.

Địch sợ ta không dám tới gần, thì ta lui đồn mà phục kích là hẳn được. Ta cầm quân bức địch, chặt gỗ làm rào phên, sợ địch không dám giao phong, thì ta nói phao là lui về để chờ cơ hội, triệt bếp núc để cho nó tin. Thế rồi đặt quân phục ở các nơi, hẹn nghe có tiếng trống thì đánh. Rồi quân địch mừng là ta đi, tức thì phát quân tiến đến. Ta truyền cờ nhỏ bảo trống khua lên, quân phục bốn mặt vùng dậy đánh. Phao tiếng hư, khiến địch ngờ là thực.
_______________________________________
1. Tức là Thạc quận công Hoàng Phùng Cơ; tướng của Trịnh.
2. Tức quân Thanh.
3. Lý Hiển-trung: Thời Tống Cao tôn, Hiển-trung chống nhau với quân Kim ở Tức-châu, Thiệu Hoành-uyên đóng quân không đến cứu viện.
4. Từ là Từ Đạt, Tôn là Tôn Hưng-tổ, làm tướng đời Minh Thái tổ, vâng mệnh đi đánh chiếm kinh đô nhà Nguyên là Bắc-bình và đuổi đánh vua Nguyên là Khoáng-quách Thiết Mộc-nhĩ ở Thái-nguyên. Theo Minh sử thì đánh Thái-nguyên với đại tướng quân Từ Đạt là Thường Ngô-xuân chứ không thấy có tướng nào họ Lưu cả.
5. Mộc anh: Cái bình bằng gỗ. Thời Hán Cao tổ, Hán Tín đánh Ngụy vương Báo, Tín giàn rất nhiều quân và thuyền ở đất Lâm-tấn, giả làm định cho quân sông đò ở đấy, nhưng ngầm sai quân lính phục ở đất Hà-dương, cho quân lính dùng những bình bằng gỗ kết lại thành bè, sang qua sông đánh úp An-ấp, bắt Ngụy vương Báo.
6. Xích xí: Cờ hiệu của nhà Hán, màu đỏ. Thời Hán Cao tổ, Hàn Tín đánh Triệu vương Yết, bày trận quay lưng ra sông. Quân Triệu mở cửa thành ra đánh. Tín giả cách thua bỏ cờ trống. Quân Triệu bỏ thành ra đuổi Tín và cướp lấy cờ trống. Tín thừa lúc ấy, đem 2.000 kỵ binh vào trong thành của Triệu, vất bỏ cờ của nước Triệu, cắm 2.000 lá cờ hiệu của Hán. Quân Triệu không đuổi được Tín, muốn vào thành thì thành đã cắm cờ của Hán rồi. Quân Triệu rối loạn, quân Tín đánh sát, phá được quân Triệu, bắt được Triệu Yết.


*
*   *

Phàm quân ta mới thắng
1...

Mưu. Mưu lạ có thể làm một lần mà không thể làm hai được. Ta có trí mà địch không phải là không khôn, chỉ là trí của ta tính được trước, mà địch thì chưa tính kịp, nên địch sa vào trí của ta. Nếu lại cứ đem mưu trước mà làm thì ít khi không bị địch đem kế để phá kế vậy.

Đón chặn đường về. Đại khái dùng binh thì phải trong ngoài nương tựa nhau mới thắng. Cúc-thành Ngỗi
2 đóng thành tự giữ, sai gọi con là Hàn ở Đồ-hà về. Hàn nói: “Quân địch nhiều quân ta ít, khó lấy sức mà thắng được, xin làm binh kỳ ở ngoài, cùng với quân gián điệp mà đánh. Nếu dồn quân làm một thì địch được chuyên ý đánh thành, không phải đắc sách”. Ngỗi theo lời. Vũ-văn đại nhân là Tất-độc3 nghe tin nói rằng: “Hàn không vào thành, sợ có thể làm lo cho ta, nên đánh trước đi”. Bèn chia sai mấy nghìn quân kỵ đánh úp Hàn. Hàn đặt quân phục để chờ, hăng đánh, đều bắt được cả. Thừa thắng rồi khinh tiến, sai gián sứ về nói với Ngỗi đem quân cả đánh. Mới bắt đầu giao phong, Hàn đem nghìn quân kỵ do một bên thẳng vào dinh địch, buông lửa đốt. Quân địch cả thua.
_______________________________________
1. Trích Hổ trướng khu cơ, chương “Dạy quân đánh giặc” đoạn 11, đây xin bỏ, xem ở sau.
2. Cúc-thành Ngỗi: tức là Mộ-dung Ngỗi, thiền vu nước Tiên-ty. Thời Tấn Mẫn-đế, bị Đông Di hiệu úy là Thôi Bí âm kết với nước Cao-cú-ly và bọn Vũ-văn và Đoàn Quốc đến đánh. Cúc-thành tức là chỗ Ngỗi đóng đô.
3. Vũ-văn: Quân trưởng Tiên-ty, họ là Vũ-văn, đời đời tập phong là đại nhân. Tất-độc tức là Vũ-văn Tất-độc. Đại nhân tức là quân trướng của Tiên-ty.


*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:

Liệu địch mà xuất kỳ kế. Kỳ lại ra kỳ, kỳ không có hạn; diệu mà rất diệu, diệu thật không cùng. Nam mà đánh bắc, bắc lại phòng nam. Đông mà ngờ tây, tây phòng đông trước. Tuy nói quyền mưu không thể đặt trước, nhưng phải phòng trước thời; biến cố không thể dè trước, nhưng phải phòng lo toan. Biến thì biến không cùng, cơ thì cơ không lường được. Cho nên cá lớn lội ở chỗ nước nông, bắt sống được chẳng cần chài lưới; thú mạnh đã vào đồng nội, bắt tay được chẳng cần bẫy hầm. Đuổi hổ trừ lang không phiền sức khoẻ; trị binh chống địch chẳng mượn uy ta. Ấy nên rồng gầm trời nhả mưa, hùm thét nước sinh gió. Xã tắc nghiêng bằng tùy miệng biển, non sông thay đổi cậy môi giao. Dân là gốc nước, gốc bị sâu thì nguyên khí suy; gỗ làm cột rường, cột bị mục thì nhà ta đổ. Vận may đi thì lòng người dễ tan; giặc hòa đến thì một cuộc
1 khó chống. Cho nên không học thì ra chiến trận như lòng say mà không biết, cầm cờ búa như bó tay mà chờ suy.

Phàm thắng địch là nhờ ở kỳ. Họp thì làm quân chính, chia thì làm quân kỳ. Họp và chia chỉ ở sau một tiếng trống hay hai tiếng trống. Quân gấp mười thì vây, quân gấp năm thì đánh, đó là quân chính vậy. Lấy ít mà đánh đổ nhiều, đó là quân kỳ vậy. Quân chính thì bộ khúc rõ ràng, đúng theo pháp độ. Quân kỳ thì không cần pháp độ bó buộc, nghìn biến muôn hóa, ngồi thì làm, đánh thì đâm, một lúc đều đứng dậy. Đến khi muốn thôi thì trở về đội ngũ.

Giả như đại quân ở trước gặp địch thì chỉ huy cho chính binh ở tiền chi ứng phó; nếu như tả gặp thì tả ứng phó, đó là quân kỳ.

Thủy bộ hai quân tiếp nhau, làm chính làm kỳ, theo hình mà đổi dùng, như lấy thủy binh làm chính thì lấy bộ binh làm kỳ, như lấy bộ binh làm chính thì lấy thủy binh làm kỳ.
____________________________________
1. Một cuộc tức là chỉ có một chước cứng nhắc.

*
*   *

Sách Võ kinh:

Đem quân vào sâu trong đất chư hầu, cùng với quân địch tương đương, nhiều ít mạnh yếu ngang nhau, chưa dám đánh trước... Như thế thì phải đem quân ta cách địch mười dặm mà phục ở hai bên; đem quân xa kỵ đi trăm dặm mà vượt cả trước và sau, dựng thêm nhiều cờ xí, thúc thêm chiêng trống. Khi đánh nhau thì vừa đánh trống vừa la reo mà đều dậy. Tướng địch hẳn phải sợ là quân mình kinh hãi, nhiều ít không cứu được nhau, sang hèn không xứng được nhau, địch tất phải thua
1.

Ví như quân phục ở giữa đường ta đi, thì đặt quân phục, dùng lối giả cách chạy để đánh giáp lá cà. Quân phục ở giữa đường địch đi, thì đặt quân phục dùng lối chạy ra đón đánh. Tùy cơ ứng biến, để mật thư vào cẩm nang, trao cho tướng tâm phúc giỏi, kín đáo mai phục, cầm nhiều chiêng trống, cờ xí, súng ống, để dùng làm rối lòng và mắt của địch, mà phép cho quân phục dậy cũng phải ước định trước. Chỉ xem trên núi nọ nổ mấy phát súng, ban ngày vẫy mấy lượt cờ, ban đêm treo mấy cái đèn, một lúc mà đều phù hợp thì mới có thể cho quân phục dậy. Vì sợ quân địch đa trá, hoặc thấy hình thế có chỗ ngờ mà vô cớ nổ súng, hay cho người cầm cờ lên núi dò xét, chợt có ám hợp mà quân ta vội dậy thì hẳn là hỏng việc. Nếu như bọn giặc giảo trá, hoặc tụ hoặc tán, đóng giữ nơi rất hiểm, reo hò khua trống bắn súng nhử ta ra đánh, rồi nó lùi ngay, chờ ta vừa quay về thì nó lại giả cách đuổi, đuổi thì trống và reo rầm rộ, lùi thì dọc đường ngầm cắm chông độc, phục quân ở chỗ hẹp, đợi ta đi vào chỗ hiểm thì lấy là đắc kế. Như ta thế lớn, đánh gấp ngày thì nó hẳn lẩn vào lèn đá trốn đi các ngả, tóm lại là không thể đuổi theo được giặc. Nếu có đuổi thì ta phải chia quân làm ba đường: một đường do giữa mà đuổi về trước, hai đường tả hữu thì lên núi, gác cầu mà đi, giặc dù giảo hoạt cũng không làm gì được. Đại phàm quân ta tiến lui, không gác cầu thì không thể đi được. Tướng sĩ các ngươi phải tuân theo mà làm.

Hoặc sức quân mỏng yếu, hay là đại quân chưa nối đến, quân đi trước bị thế cô, địch ỷ thế lớn lại lấn áp ta, thì khi đó cái thế quân nhiều quân ít quá xa nhau, lui không thể được, chống thì khó địch, phải dùng phép “đằng dinh phục lộ”
2. Trước phải thăm dò cho xác thực, tính biết xa gần. Nếu địch có thể đến buổi chiều, thì ta đóng chặt rào trại, hư trương cờ trống, để tỏ ra thế liều giữ khó phạm được, cho địch sinh ngờ; đồng thời ngầm phục binh ở bốn mặt hiểm, đợi khi địch chủ trì không vững, tự nhiên đóng dinh, trong khi đóng dinh chưa định, thì ta bốn mặt đều nổ súng, làm cho địch sợ hãi. Nếu địch rối loạn thì ta thừa thế nổi quân phục đánh ngay. Ta nhân nó nhọc, có thể thu được cái công lấy ít phá nhiều. Địch nếu thua lui, thì ta trước phải ở các nơi khe núi rậm kín trương nhiều cờ xí đèn đuốc, chiêng trống súng ống vang lên, thì chẳng những có thể giúp được thế cho ta, có thể rối được nó, mà lại khiến địch không biết số quân ta nhiều hay ít mà không dám trở lại nữa.
_______________________________________
1. Xem Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”, chương 37.
2. Vượt dinh mà mai phục ở đường, xem ở phần trên.


*
*   *

Hoạt. Hoạt có mấy mối: Có thể lâu, có thể tạm, đó là hoạt ở thời; có thể tiến, có thể lùi, đó là hoạt ở địa; có thể đi, có thể lại, đó là hoạt ở đường; có thể đừng đó, có thể chuyển dời, đó là hoạt ở cơ. Binh phải hoạt mới động được; kế phải hoạt mới làm được. Tuy thế, trong hoạt cần phải có nghiêm. Nếu nơi nơi đều dùng hoạt cả mà không lưu lại để tiếp sau thì làm cô quân, không dính với đàng sau, thì gọi là cùng sách.

Việc biến ảo ở chẳng định, cũng biến ảo ở có định. Có khi lấy việc thường mà biến đi, lại có khi lấy việc biến mà biến đi. Biến là không cùng; có thể làm thì làm lại, làm lại tức là biến, ước chừng là biến mà không biến. Không thể làm được thì biến; biến tức là làm lại, vì rằng biết là biến mà lại biến vậy. Cũng như muôn áng mây chỉ là một khí, nghìn làn sóng chỉ là một sóng; là cái ấy mà cũng không phải là cái ấy.

Sách Tôn tử:

Phàm trị quân nhiều cũng như trị quân ít, bởi vì đã có phân số. Đấu nhiều quân cũng như đấu ít quân, bởi vì chỉ là hình danh vậy. Ba quân đông đúc, có thể thụ địch mà không thua, bởi vì có kỳ và chính. Binh đánh vào như lấy đá ném vào quả trứng, bởi vì hiểu rõ hư thực. Phàm chiến đấu, lấy đạo chính để hợp, lấy đạo kỳ để thắng. Cho nên người giỏi dùng kỳ thì vô cùng như là trời đất, không hết như là sông biển; đến cuối lại về đầu là nhật nguyệt; chết mà lại sống là bốn mùa. Tiếng chẳng qua năm cung, năm cung biến ra thì không thể nghe xiết được. Sắc chẳng qua năm mầu, năm mầu biến ra thì không thể xem xiết được. Mùi chẳng qua năm vị, năm vị biến ra thì không thể nếm xiết được. Thế chiến chẳng qua chính với kỳ, chính kỳ biến hóa không thể cùng vậy. Chính kỳ sinh ra nhau như vòng xoay tròn không có đầu mối, ai biết thế nào là cùng
1.
*
*   *

Nước xiết chảy nhanh đến trôi đá là thế vậy; chim dữ bay nhanh đến què gãy là tiết vậy. Cho nên người giỏi đánh thì thế hiểm mà tiết có quy củ. Thế như là nỏ dương, tiết như là nảy máy. Rối bời mà không thể loạn; tròn trạnh mà không thể hỏng. Loạn sinh ra ở trị, khiếp sinh ra ở dũng, yếu sinh ra ở mạnh. Trị với loạn là số vậy, dũng với nhát là thế vậy, mạnh với yếu là hình vậy. Cho nên người giỏi động địch, lấy hình mà động thì địch phải theo; đem cho mà động thì địch phải lấy. Dùng lợi nhà động, lấy gốc mà đãi. Cho nên người đánh giỏi thường tìm ở thế, không trách ở người, cho nên mới chọn người mà dùng thế, dùng thế là đánh người vậy. Cũng như chuyển gỗ đá vậy. Tính gỗ đá để yên thì tĩnh, gặp nguy thì động; hình vuông thì đứng, hình tròn thì lăn. Cho nên cái thế giỏi đánh người cũng như lăn đá tròn ở trên núi cao nghìn nhẫn vậy. Đó là thế vậy.
__________________________________
1. Tôn tử, thiên V.

IV - DÃ CHIẾN

Sách Kinh thế:

Khi hai quân gặp nhau ở trên cánh đồng bằng, giặc chia mấy đường mà lại, quân ta cũng chia mấy đường mà ứng, chỉ cần lên một nơi gò cao, thế giặc thế nào, có thể thấy cả được. Đất bằng chia quân cũng dễ ra sức. Tức như nếu trước sau có giặc, quân ta cũng theo đó mà chia ra, quân trước thì chống ở trước, quân sau thì chống ở sau, chỉ huy thư thả, không nên vội vàng thất thố mà chuyển quân trước chống ở đàng sau.
*
*   *

Phép gài tên dưới đất
1.
*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:

Phép đánh nhiều quân. Phàm đánh nhiều quân thì lợi ở đồng bằng. Kíp thì có thể vây, đánh cả quân viện, cắt đứt đường lương, phục binh mà đánh, hễ quân có lợi thì thôi.

Phép đánh ít quân. Phàm đánh ít quân thì gọi là quả, lợi ở chỗ hiểm ách, hoặc nhân lúc rối ren, hàng ngũ chưa chỉnh, dinh trại chưa yên, đương ăn chưa xong, ít quân càng phải quấy rối.

Phép đánh bằng voi. Phàm đánh bằng voi thì lợi ở đồng bằng. Nếu voi địch đến đánh, thì lợi ở dùng tre gai và chông; dùng hỏa công, hỏa tiễn mà đánh, hay nhử vào nơi bùn lầy mà đánh.

Phép đánh bằng ngựa. Phàm đánh bằng ngựa thì lợi ở đất thập thắng, kiêng ở đất cửu bại
2. Quân ngựa của địch đánh ta ở đồng bằng, thì dùng chông, hầm hố, dây thừng; nếu như gặp ta ở nơi bùn lầy, thì họ phải bỏ ngựa mà đánh.

Phép đánh ở bãi cát. Nếu đánh ở bãi cát dài thì khi quân địch đến đánh, ta dồn cát thành đống mà mai phục, đợi địch đến được nửa trên nửa dưới thì đánh, hẳn thắng.

Khi địch nhiều quân, thì ta nên lánh nơi bằng phẳng, đón ở nơi chật hẹp, khua trống mà dậy, địch dầu quân đông, không thể không rối ren. Vì lấy ít đánh nhiều, không gì hay bằng ở nơi hiểm trở, cho nên nói dùng quân ít cần phải ở đất hẹp; hoặc chia làm quân kỳ quân phục, hoặc tan làm nghi binh, quấy rối cho nhiều, thế thì địch không biết giữ thế nào.

Binh pháp nói: Dùng quân ít càng phải quấy rối.
_______________________________________
1. Trích một chương của sách Hổ trướng khu cơ, đây xin bỏ, xem ở sau.
2. - Đất thập thắng: Mười thế đất đánh thắng. (Đừng lộn với “thập thắng” ở trên). - Đất cửu bại: Chín thế đất đánh thua.

*
*   *

Sách Võ kinh:

Hỏi: Có quân rất nhiều, đã giỏi lại mạnh, dựa chỗ hiểm của núi sông, hào sâu lũy cao để giữ, mà lương hết quân mệt, khó điều giữ lâu thì làm cách nào? Trả lời: Thế thì dùng mưu của chủ tướng, không phải là sức của quân xa kỵ. Nếu gặp thì nên chia làm năm quân, để ở năm con đường. Địch ắt phải ngờ, không biết đánh quân nào. Đánh thắng thì tiến, không thắng thì chạy mau, dẫn nó đến chỗ mai phục, một quân đóng ở trước, một quân đóng ở sau, hai quân ngậm tăm, hoặc ở bên tả hoặc ở bên hữu mà đánh úp vào đấy. Năm quân giao tới, ắt là có lợi. Đó là phép đánh quân mạnh vậy.

Hỏi: Địch lại bắt ta, ta muốn chạy không có đường, quân sĩ đều sợ, thì làm cách nào? Trả lời: Phải làm thế này: Nếu quân ta nhiều mà quân địch ít, thì ta chia quân ra làm kỳ và chính, căn dặn phải mềm mỏng; quân địch nhiều quân ta ít thì nên dùng cách phương tuyền
1 mà không phải nghĩ ngợi gì nữa, vì cách phương tuyền, hoặc nói rõ ra để cho yên lòng, hoặc nói dối để cho vững chí, tuy quân rất sợ mà có thể đánh được. Đó là phép địch bắt ta, ta ứng lại vậy.

Như quân ta đi ở bãi cát dài, không có đồn sở, nếu gặp giặc thì sai người tiếp ở xa, khi thấy thuyền giặc đã gần tới, thì đem quân ta mai phục, sức cho những người bắn giỏi phục ở đường trọng yếu, lại khiến binh chính đánh mà giả thua. Trong lúc địch đương ở nửa trên nửa dưới, thì ra hiệu cho quân phục bắn, hẳn là được.

Như ở giữa đồng, hai quân đóng đồn bền giữ, một đêm mưa gió chợt thấy có giặc đến đánh, ta nên đóng vững quân không động, thám xét cho nghiêm, và dặn quân thấy giặc thì dừng động. Như thấy tả hữu của địch đánh vào thì không được vội vã, thầm sai động binh tiếp đánh.

Đánh ngoài đồng. Chính là phép của nhà binh, trái với phép thì có cơ cũng không gieo vào được. Phép binh không gì tinh bằng cách đánh ngoài đồng. Hoặc tiến hoặc lùi, hoặc thưa hoặc dầy, bày trận thì như mây nổi cuốn ngoài nội, quân đi thì như tơ bông bị gió bạt; khi đến sát thì như cát bờ đá dựng, cao thấp dùng thế; khi bắt giặc thì như muôn ngựa đuổi gió, hết sức nhảy bay. Địch lấy phép mà đo, phép cũng không kịp phòng bị, lấy kỳ mà lường, kỳ cũng không kịp ứng đối. Lấy loạn mà xét thì loạn mà không mất, ruổi mà không chạy, cờ xí rối động mà không lung tung, mỗi người tự đánh, quân tự lập thế, thấy lợi thì làm, thắng không định được dấu vết ở đâu. Thế mới gọi là tướng biết dùng binh vậy.

Phép đánh bộ. Nghe trống một hồi, quân bộ, quân kỵ đều phải trang bị; nghe một hồi nữa thì đều cưỡi ngựa đứng yên; nghe hồi thứ ba thì theo thứ tự dậy đi, dựng cờ hiệu. Sau nghe tiếng trống thì sắp trận. Quân xích hậu thì coi địa hình rộng hẹp, dựng nêu ở bốn góc. Trong phép chế trận, các bộ khúc đều tiếp bộ mà bày quân. Quân khi vào chiến trận, là từ chỗ sống mà vào chỗ chết; từ chỗ thực mà vào chỗ hư; từ chỗ lợi mà vào chỗ hại; từ chỗ nhàn mà vào chỗ nhọc; từ chỗ không bị cùng mà vào chỗ khốn cùng.
_______________________________________
1. Phương tuyền: Nghĩa đen phương là vuông, tuyền là xoay tròn, không rõ cụ thể là phép thế nào

V - SƠN CHIẾN

Sách Kinh thế:

Trong núi với đồng bằng, địa thế không giống nhau, thế trận và sự hành quân cũng phải khác. Trong núi hiểm trở muôn hình, hoặc là lèn treo suối chắn, chỉ một đường đi, ngoắt ngoéo cong dài, hoặc đôi bên sâu rậm, hoặc đá chất ngổn ngang, hoặc khe chẹt cầu gẫy, hoặc cỏ tốt um tùm, hoặc ngòi sâu bùn hẳm, không chỗ nào có thể đặt phục binh, không đường nào có thể đón chặn, nếu dò xét không rõ ràng, thì bị nhầm lọt vào đó.

Nay có một phép hay: Quân ta đánh nhau với quân giặc, không ở chỗ có thể phá được giặc, mà trước là ở chỗ không thể bị thua. Nay hãy nói trong dinh có một nghìn quân thì cứ mỗi trăm làm một tiêu, bắt một tên bộ binh nhanh nhẹn hợp với một tên mã binh, sai cho đi trước, hoặc 2, 3 dặm hay 4, 5 dặm, hễ gặp bên đường có núi, người mã binh không thể lên được thì người bộ binh cầm một lá cờ nhỏ lên chung quanh núi dò trông. Nếu không có quân mai phục và quân giặc ở trước, thì cầm cờ đứng ở trên núi làm hiệu, mã binh chạy về báo là đường thứ nhất không có sự gì kinh nghi. Tiêu thứ nhất lập dinh; rồi tiêu thứ hai cũng đi, hoặc 1, 2 dặm, hay 3, 5 dặm, thăm dò đích xác, lại báo như trước. Lần lượt đến tiêu thứ 7, 8, 9, 10, đều như thế mà lập dinh. Như 10 tiêu đã hết, lại từ tiêu thứ nhất cuốn dậy tiến lên. Nếu một mặt là núi thì một người có thể trông suốt được; như hai mặt đều là núi, thì không khỏi nhìn một mặt có sự sai lầm, cũng chưa định được. Nên lại bắt bộ binh chia tả hữu lên trông, thấy tả hữu đều không có gì đáng sợ, thì không phải cất cờ hiệu nữa. Hoặc một bên có động, thì người ở trên núi một bên giơ cờ lên, rồi người mã binh chạy về báo biết, để tiện ứng địch. Cứ theo cách đó mà hành binh. Phàm tình hình của giặc ta đều dự biết được cả. Nó dù đón chặn hay giả cách nhử ta, thì ta đã trước có thể không thua vậy. Nếu quân thám của ta không phòng bị, chợt xảy gặp giặc, thì người mã binh chạy về báo biết để tức thì ta theo hình núi mà bày trận dự bị đón giặc. Còn một tên bộ binh, nếu chạy hỏa tốc kịp về thì hay, như chạy không kịp thì lẻn vào chỗ núi sâu lèn đá, hay chỗ cây cỏ um tùm mà tạm ẩn lánh, thân của một người, địch vội vàng chẳng rỗi mà tìm, có thể khỏi nạn. Như quả thám báo được sự thực, quân ta có công, thì phải đem những người thám báo ấy làm công đầu mà thưởng. Để cho quân ta không phải lo lắng vì vội vàng sửng sốt, việc ấy có quan hệ lớn cho nên thưởng cao hơn mọi người.

Núi sâu đường hiểm, quân đi thám sợ một khi tìm tòi không được, nhằm vào trong đám quân phục, hoặc đón ở trước ta, hoặc xông vào giữa ta, hoặc đánh đứt sau ta, giặc lấy thế có mưu mà đợi ta không phòng bị, đường núi cách trở đầu đuôi khó tiếp viện nhau, chỉ trăm bước đường hiểm mà trước sau không cứu được nhau, nếu không báo trước rõ ràng thì hẳn là sửng sốt bối rối. Phàm tướng sĩ các ngươi, trước hay đem binh đinh sở bộ định trước quan binh hai tiêu. Nếu gặp chỗ hiểm yếu thì khiến lập dinh ở hai quả núi. Nếu tiêu trước gặp sự kinh động, thì phải đem bản tiêu lùi vào hai bên mà lập dinh. Phải nhắm chính chỗ cửa đường, bọc núi liền đồng, mà lập dinh ngừa chống. Khi giặc lui thì rỏn theo sau. Dinh sau lại ào ào kéo ra, tiếp nhau mà lập dinh, đổi phiên mà lần lượt đánh. Đó là phép phản khánh làm chủ, ta nhàn giặc nhọc. Nếu giặc tự trung gian xông ra, thì quân ta ở hai đầu đóng giữ núi hiểm, ngồi đóng ở trên cao để chờ, xem cơ mà ứng biến, sĩ khí gấp trăm lần, giặc dầu có mưu cũng khó thi thố, là vì quân ta trước đã có dinh lũy để chờ nó đến, ví như đến nơi đã có nhà rồi, tự nhiên lòng quân thống nhất, không đến tan vỡ, kẻ kia kẻ nọ giúp nhau thì đảm khí của người tự mạnh. Nếu giặc đánh chặn sau ta, thì ta nên lấy lùi làm tiến, đem các hậu tiêu đổi làm tiền tiêu, lượng để binh mà giữ giặc, rồi cuốn ngược mà về, nó khó mà đón được. Như gặp núi khe đường hiểm thì phải để quân đóng giữ, rồi sau lại tiến. Hành dinh trong hang núi, không gì hơn phép ấy, đó là cái thế cuốn mành làm trận, bước bước làm đinh vậy.

Hai quân gặp nhau ở nơi núi hiểm, binh ta cả quân tiến lên, nếu giặc giữ đầu núi chia đội mà đến, ta mới đầu vội vàng khó thấy, khi giặc đến gần mới nhận rõ, ta phải một lúc chia quân, không những không dễ dàng, mà lại bốn bề toàn núi, thực khó giàn bày. Giặc đã giữ nơi cao đổ xuống, dễ đến áp bức, ta không khỏi không có sự lo trở tay không kịp. Từ nay về sau, nếu đánh nhau ở trong núi, trừ khi đón đại quân của giặc thì cứ theo đại thế mà đón trước, bằng như bốn bề có núi, có thể đánh đường đến của giặc, thì trước hết theo thế núi chia đường mà tiến. Nếu quân giặc phân đội mà lại; thì tự có thể hai bên đối đầu nhau; nếu giặc chưa thành đội mà đến, thì ta nhân nó không phòng bị, bốn mặt đánh lại thì có thể khiến sở đoản của giặc đều hóa làm sở trường của ta. Lại trừ việc chia đường ra, đại tướng phải lên trên núi rất cao, đem binh tự vệ chia ra làm mấy đội, mỗi đội giao cho một tướng giỏi, bày quân nghiêm chỉnh, xa trông tình hình quân ta gặp giặc ở trên đường nào. Nếu như hàng ngũ thảnh thơi, chí khí hăng hái, thì biết đường ấy ắt thắng. Hoặc thấy đường kia đi chạy vội vàng, đội ngũ lộn xộn, thì biết đường ấy hẳn kém, tức thì sai tướng giỏi dưới trướng đem quân giúp đỡ. Hoặc thấy đường ấy quân giặc bội hơn quân ta, thì cũng sai đem quân đến giúp. Nhưng trong lúc chia đường đón giặc cũng phải có phép mới được. Tỉ như quân ta vừa đến đầu núi mà giặc đã đến dưới núi, thì ta giữ núi không xuống, đợi giặc lên đến nửa núi thì quân ta tức đem gỗ đá lên núi lao xuống mà đánh, chẳng những quân trên núi đỡ sức, mà gỗ đá lăn xuống làm bị thương nhiều. Nếu như giặc ở trên đầu núi mà quân ta đến dưới núi thì ta giả làm cách nhát chạy, nhử giặc xuống nửa núi, quân ta giải ra mà gấp lên núi để đánh. Quân ta nhát chạy, một là tránh được chỗ khe núi, khỏi bị đá gỗ lao xuống, hai là nhử cho giặc mất chỗ hiểm và không có gỗ đá để đánh. Nếu quân bắn súng của giặc chưa sẵn bùi nhùi thì lại không thể bắn được một tiếng súng nào.

Phép đánh trận ở núi hang. Phải khéo đặt quân phục, đánh mạnh thì có lợi. Những người nhanh chân thì lấn lên chỗ cao, những quân cảm tử thì đỡ ở đằng sau. Bày nỏ để xông đánh. Dùng chước cầm cự thì nó không tới được mà ta cũng không đi được.

*
*   *

Sách Bảo giám:

Phàm đánh nhau mà bên tả có núi chằm, bên hữu có gò đống, thì lên cao mà đánh xuống thấp, ở nơi sống mà đánh nơi chết, đó là ở gò bằng mà đánh người. Nếu tả hữu là gò núi hang khe chật hẹp mà gặp nhau với địch thì ta nổi trống rầm núi, cờ xí tựa rừng, lên cao nhòm xa, người ngựa ra vào, đó là ở núi hang mà đánh người.

Đánh trận ở núi gò, thì không ở dưới chỗ cao, không nhìn xuống chỗ sâu, không xông vào chỗ hẹp, không đi ra xa quá. Đánh trận ở trong rừng, không liền nhau thì không ruổi chạy. Đánh trận ở gò đống thì không xuống chỗ hẳm. Đánh trận ở gò bằng thì không lìa ra xa.
*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:

Phàm đánh trận ở núi thì ta phải ở nơi cao, cắt đứt đường vận lương của địch, đặt quân phục và khiêu chiến, đó là lý tất thắng.

Phàm đánh trận ở chằm, thì nương theo cỏ nước, dựa lưng vào cây cối, lợi ở phép đặt phục và khiêu chiến, làm như thế tất thắng.

Phàm đánh trận ở núi hang, thì ta phải ở nơi cao, tiện về cỏ nước, lợi ở đặt phục, hay hư trương ở nơi khác làm nghi binh, thì địch thua ngay.

Hỏi: Gặp địch ở nơi khe hang, ở bên chỗ hiểm trở, địch nhiều ta ít thì làm thế nào? - Trả lời: Phàm gặp địch ở nơi đó, phải hành động gấp để đi ngay, không được thong thả. Nếu thình lình mà gặp, dẫu quân nhiều cũng không dùng được. Trước hết phải kén quân khinh nhuệ cho ở trước hò reo đánh trống mà thừa cơ. Địch hẳn rối loạn thì ta đánh, đừng ngần ngại. Bằng nó vững luỹ để giữ thì để nó ở chỗ hẹp, rồi tùy nghi mà đối phó, hoặc hư trương làm nghi binh, hoặc ngầm đặt quân phục, tùy theo thế mà đánh thì phải thắng.

Hỏi: Hai núi giáp nhau mà đất thì rất hẹp, bỗng gặp giặc thì làm thế nào? - Trả lời: Đó gọi là đánh trận ở núi hang. Tuy nhiều chống ít, quân giỏi nhẹ chân của ta cầm binh khi sắc đi hàng đầu, chia bày bộ kỵ nấp ở bốn phía, chẳng thấy được quân, rồi dời dinh ra ngoài núi mà tỏ bảo cho giặc biết, sai tiền đội thay phiên tiếp nhau ra khiêu chiến, làm cho giặc không được nghỉ ngơi, lấy nhàn đổi nhọc, thì đánh phải thắng.

Như giặc chiếm nơi cao, đó là nó giữ được nơi hiểm; ta không nên đánh, nên lui mà tìm nơi vợ con và kho chứa của giặc để đánh và đặt quân phục ở đường trọng yếu. Giặc hẳn phải bỏ nơi hiểm mà đi cứu. Ta nhân lúc giặc mất chỗ hiểm, nổi quân phục mà đánh, quân chính trở lại hợp đánh, đánh là phải thắng.

Như gặp giặc chạy vào trong chốn núi chằm, đó là nó giữ được đất hiểm, đánh thì nó lui lánh. Tìm ngay chỗ hiểm mà giữ, rồi chia quân làm ba chi, một làm kỳ, hai làm chính, khiến quân kỳ mai phục, quân chính thì đánh, giả cách chạy. Địch hẳn bỏ chỗ hiểm mà đuổi đánh. Quân kỳ dậy đánh, quân chính trở lại hợp đánh, chắc là phải thắng.

VI – THỦY CHIẾN.

Thuyền lớn thì thắng thuyền nhỏ; thuyền chắc chắn thì thắng thuyền mỏng mảnh; thuyền thuận gió thì thắng thuyền nghịch gió; thuyền thuận dòng thì thắng thuyền nghịch dòng. Thuyền- phải phông cạn, phòng lửa, phòng gió, phòng bị đục, phòng khóa sắt cọc sắt. Lấy thuyền Phúc-kiến mà gặp thuyền Nhật-bản thì như lấy xe mà nghiến con bọ ngựa. Thuyền Phúc-kiến như thành thuyền Nhật-bản như một khoang, ở trong biển lớn gặp nhau, thì đấu sức thuyền mà không đấu sức người, thế thì biết lớn thằng nhỏ vậy. Lấy thuyền Phúc-kiến mà gặp thuyền Quảng-đông thì như lấy đá mà ném vào núi. Thuyền Quảng-đông đều là gỗ lim, mà thuyền Phúc-kiến thì chỉ là gỗ thông, sóng gió đập nhau, gỗ khô đụng một cái là nát, thế thì biết chắc chắn thắng mỏng mảnh vậy
1.

Các họ Tôn (Quyền) Tào (Tháo) Lưu (Dụ) Lư (Tuân) đánh nhau, thuận gió thì được trời giúp, nghịch gió thì hỏng sự cơ, thế mới biết nhân được sức gió thì có lợi vậy.

Đời Xuân thu nước Ngô nước Sở tranh nhau, theo thủy chiến thì nước Sở thường thắng, theo lục chiến thì nước Ngô thường thắng, thế mới biết thủy chiến ở thượng lưu thì lợi hơn. Tuy thế, trận đánh ở Bà-dương
2, thuyền địch cao lớn, ta khó đánh được. Quân Minh phóng lửa để đốt cháy hết. Thế là nhỏ thắng lớn, mỏng thắng chắc vậy. Trong cuộc Ngô Ngụy đánh nhau, địch được thế gió, Phó Quán đem thuyền giả cách lánh, đợi địch đi qua mà quay thuyền lại, tung gió mà đánh thắng. Thế là đổi dưới gió làm trên gió vậy. Trong cuộc Lương Trần đánh nhau, địch thuận dòng mà xuống đông, thẳng tới Kiến-khang3, Hầu Trấn4 thong thả ra Vu-hồ5 mà rỏn theo sau. Thuyền địch trái gió mà tự đốt. Thế là đổi ngược dòng làm xuôi dòng vậy. Còn nạn mắc cạn cũng đáng lo. Thuyền ngự mắc cát ở Bà-hồ6 gần nguy, nhưng Nhạc Phi bình Dương Yêu7, dự bị đặt trước bè cỏ để lấp cửa lạch, bách địch phải chạy vào chỗ hiểm mà bắt lấy. Họ Ngô8 ở Giao-châu nhân nước triều ra khiêu chiến mà giả cách trốn, đợi thuyền địch vì nước triều rút mà vướng cọc, nhân đấy mà đánh. Thế mới biết có thể dùng nạn mắc cạn để đánh quân địch được. Về nạn gió thì Thế-kiệt9 bị bão, úp thuyền ở Nhai-môn, quân Kim bị sóng cuốn ở Đường-đảo10. Nhưng phép thuyền đi biển, hai đầu đều đặt bánh lái, gió thổi đông mà chạy tây, gió thổi nam mà chạy bắc. Chiêm nghiệm mà đoán định, không gì là không đúng. Thế là có thể dùng người mà phòng gió được. Về nạn lửa, mạnh như Mạnh-đức11 mà thua; khôn như Thế-trung mà thua; quyệt như Từ Đạo-phúc mà thua. Hoặc là nhân gió mạnh mà đốt, hoặc là chia cho bộ binh chạy giáp bờ mà đốt. Nhưng trận đánh ở Nhai-sơn12, thuyền biển trát bùn mà tên lửa bắn không cháy được; trận đánh ở Hà-dương13, gậy sắt chống thuyền chứa dầu mà phút chốc tắt hết. Thế mới biết có thể dùng kế để chống lửa vậy. Ở giữa dòng mà lỡ mất thuyền, một bình nước đáng giá nghìn vàng; cứ liều đánh ở trên thuyền, không bằng ngầm đâm ở dưới thuyền; cứ phá quân của địch, không bằng phá thuyền của địch. Thế thì cái lo bị giặc dùi thuyền rất lớn. Song hoặc khung thuyền dùng ván ghép, đáy thuyền đặt đinh sắt, hoặc mộ người giỏi lặn lội để giữ thuyền, đó cũng là cách phòng địch đánh chìm thuyền ta vậy. Nếu khi địch tiến mà muốn chống, khi địch chạy mà muốn bắt, thì hoặc căng xích sắt, hoặc chằng bánh xe của thuyền, buộc cây hay thả đá, đặt rạng ngầm, chống ở bến, đó chẳng phải là những kế chặn đường nước hay sao! Vậy muốn phá xích sắt và rạng ngầm, thì nên làm một cái bè lớn ngồi mà tiến lên, đem dùi để theo bè, đuốc lớn chứa sẵn, gỗ dài tẩm dầu, nấu sắt mà phá đứt dây xích. Nếu muốn phá thuyền mông xung kết liền của địch, thì nên mộ những người tráng sĩ mặc áo giáp mà tiến đánh, dùng búa chặt dây xích, đốt củi đổ dầu, thuyền đứt theo dòng nước trôi đi, thuyền cháy ngất trời. Nếu bè vướng đá ngầm mà mắc cạn, thì nên sai người giỏi lặn lặn xuống cầm đồ sắc nhọn phá những lồng đá cho nước thuận dòng cuốn đi, không còn vướng nữa. Đó cũng là cách chặn đường nước để phòng địch vậy.
___________________________________
1. Xem Võ bị chế thắng chí, quyển 13.
2. Tức là hồ Bành-lãi ở phía bắc tỉnh Giang-tây.
3. Tức là Kiến-nghiệp cũ, kinh đô của Ngô Quyền thời Tam-quốc, ở phía nam huyện Giang-ninh tỉnh Giang-tô ngày nay.
4. Thứ sử Trương-châu ở thời Trần.
5. Vu-hồ: Hồ lớn ở tỉnh An-huy, thuộc huyện Vu-hồ.
6. Tức là hồ Bà-dương hay Bành-lãi.
7. Dương Yêu: Đời Tống Cao tôn nổi loạn ở hồ Động-đình làm thủy khấu, cuối cùng bị Nhạc Phi đánh bại.
8. Chỉ Ngô Quyền nước ta đánh quân Nam Hán ở sông Bạch-đằng.
9. Thế-kiệt: Tức là Trương Thế-kiệt. Cuối thời Tống, đi theo Đế Bính ở Nhai-sơn, đóng quân ở đấy, sau bị đắm thuyền, vua tôi nhà Tống đều chết, nhà Tống bị diệt ở đấy.
10. Đường-đảo: ở phía nam Giao-huyện tỉnh Sơn-đông, một đạo quân Kim do đường biển muốn đánh úp Hải-châu, đậu thuyền ở đấy, bị tướng Tống là Lý Bảo đánh bại.
11. Tức là Tào Tháo bị Chu Du nước Ngô đánh hỏa công ở Xích-bích.
12. Nhai-sơn: Đảo ở phía nam huyện Tân-hội, tỉnh Quảng-đông, vua tôi nhà Tống bị quân Nguyên đuổi, đánh đắm thuyền ở đấy.
13. Hà-dương: Thuộc Mạnh-huyện, tỉnh Hà-nam. Lý Quang-bật nhà Đường giữ thành ấy để chống Sử Tư-minh.


Kỳ, nghĩa là cành cây vậy. Kỳ là vượt nước sâu, qua sông lớn, dùng nỏ cứng mà đặt binh; là vượt qua sông nước mà đánh. Phép đánh dưới nước, lợi ở thuyền ghe, kén quân rèn tập cho ngồi, trương nhiều cờ xí làm cho địch ngờ, bắn nỏ mạnh cho trúng, cầm gươm ngắn để đỡ, mang nhiều lá chắn để xông vào, thuận theo dòng mà đánh tới.

Gặp địch thì đừng bức bách nó xuống nước, vì nó biết đó là không khỏi chết thì phải liều chết mà không chịu thua, như con thú cùng còn đấu, con ong con rết còn châm, huống là con người. Nên đợi nó sang sông nửa chừng mà đánh. Kẻ biết trước thì khỏi chết. Kẻ theo sau thì không có đấu tâm. Nếu ngược nước mà đến thì ta đón ở ngoài nước. Đó là dùng nước mà đánh người vậy.

Trong khi đánh trận bằng thuyền, nghe hồi trống thứ nhất, quan và quân đều nghiêm. Hồi trống thứ hai, binh lính ở thuyền chỉnh đốn chèo lái, cầm binh khí và giàn thuyền, ai ở chỗ nấy; cờ xí, còi, trống, tùy đó mà chở. Trống đánh hồi thứ ba, các thuyền lớn nhỏ lần lượt tiến ra, tả hữu trước sau, đều theo thứ tự ở bản đồ, ai trái lệnh thì chém. Chiến đấu dưới nước, không đi trái gió, không đi ngược dòng.

Đánh ở nước, ta kém mà địch giỏi, lấy kém mà đánh giỏi thì khó. Nếu như lấy tướng của địch, dùng quân của địch, cướp lấy tay chân của nó, lìa lòng dạ của nó làm cho cô lập, rồi đem quân nhà vua nhân đó mà đánh, trong khoảng tám ngày, có thể bắt cóc tù trưởng.


*
*   *

Sách Hổ trướng khu cơ:

Phép lấy nước uống trong biển
1.
*
*   *

Bày trận sát nước, nên chờ địch sang nửa chừng mà đánh, lại bày nghi binh để ứng, mà xuất binh kỳ để đánh úp. Sát nước mà không cho nó sang được, đó là cách giữ lâu, chứ không phải là muốn đánh chóng vậy. Sao ta lại không dẫn quân lùi ra, để cho nó sang nửa chừng, ta dùng quân thiết kỵ ùa đến mà giết thì nhất định phải thắng. Nếu để cho nó sang hết cả, nó có chí đập bếp đắm thuyền, làm quân liều chết, thì một người đánh nổi trăm người.

Bày trận quay lưng ra nước có khi thua có khi được không giống nhau. Bên hữu và sau lưng là núi gò, trước mặt và bên tả là chằm sông, đó là phép thường của nhà binh; quay lưng ra nước mà bày trận, đó là phép kỳ vậy. Như Hàn Tín ở trận Trì-thủy
2, đó là liều chết mà thắng; Cao tổ ở trận Duy-thủy3, đó là vì trễ nải mà thua.

Nhạc Vũ-mục nhà Tống vâng mệnh đánh Dương Yêu
4 ở hồ Động-đình. Yêu cậy thế hiểm. Quan quân từ trên cạn đánh thì nó chạy vào hồ, mà đánh ở nước thì nó nhẩy lên bờ. Quân sở bộ của Phi đều là người Tây-Bắc, không quen thủy chiến. Bèn trước sai sứ đến dụ thì đảng nó có Hoàng Tá ra hàng. Phi dâng biểu xin trao cho quan chức, lấy lẽ thuận nghịch mà dỗ bảo. Tá cảm rồi khóc, thề lấy chết mà báo ơn, được sai trở về trong hồ, xem kẻ nào có thể nhân cơ bắt được thì bắt, kẻ nào có thể khuyên được thì vời. Tướng của Yêu nhiều người hàng. Phi đêm đánh úp dinh giặc, trong đó có quân mấy vạn. Tướng của Yêu đương cưỡi thuyền ở trong hồ, bánh xe đập nước, thuyền đi như bay, bên mạn thì đặt gậy đánh. Thuyền quan đón thì tan ra. Phi bèn chém gỗ ở núi Quân-sơn mà làm bè to lấp ngang các cửa lạch, rồi lấy gỗ mục cỏ rối cho thả từ thượng lưu trôi xuống, chọn nơi nước cạn, sai những người giỏi chửi khiêu khích, vừa đi vừa chửi. Giặc tức đến đuổi, thì cỏ cây dồn lại thành đống, bánh xe thuyền vướng không quay được. Phi đánh gấp ngay. Giặc chạy vào trong lạch thì bị bè ngăn lại. Quân Phi cưỡi bè căng da trâu để che tên đạn, vác cây to đánh vào thuyền giặc nát hết. Yêu cùng đường nhảy xuống nước chết. Quân còn lại đều đầu hàng.
____________________________________
1. Trích cả một thiên “Thủy chiến” của sách Hổ trướng khu cơ, gồm 9 chương, ở đây bỏ cả, xem ở sau.
2. Ở tỉnh Trực-lệ.
3. Ở tỉnh Sơn-đông.
4. Dương Yêu: Xem chú ở trên - Nhạc Võ-mục là Nhạc Phi, thời Tống.

Thủy chiến thì sông lớn là đường trọng yếu. Đường sông thế không giống nhau. Có khi thuyền rời bờ còn được nửa lợi. Có khi vừa thủy vừa lục đều tiến mà có thể được toàn lợi. Đó là có thể lấy chu sư1 mà tiến vậy. Chẹt lấy chỗ yếu hại của giặc khiến nó không tiến được, đó là có thể dùng chu sư mà giữ vậy. Đánh bằng thuyền thì thuyền lớn phải được thuyền nhỏ. Thuyền rộng lớn như thành không phải sức người có thể lùa được, toàn nhờ thế gió. Thuyền địch hèn nhỏ mà lại thì bị thuyền lớn thừa gió ép xuống, đó là đấu sức thuyền mà không phải đấu sức người, đến đâu thắng đấy. Lại nói quân ta thuyền nhỏ, trông thấy thuyền khác cao lớn như núi, lớn nhỏ không thể địch nổi, như thế không dùng hỏa công không được. Sức thuyền bền mỏng không giống nhau, hai thuyền ở biển, nếu xung kích nhau thì thuyền mỏng phải vỡ. Người làm tướng nên biết sức thuyền mình và lượng tính thuyền giặc thì mới có thể đánh được.

Thuận gió đánh ngược gió. Phàm thủy chiến thì lợi ở hỏa công, mà trợ hỏa thì có gió. Được gió thuận thì thắng, bị gió ngược thì bại. Như Ngô-Việt vương Lưu sai con là Phó Quán đánh nước Ngô. Nước Ngô sai Bành Ngạn-chương chống cự ở núi Lạng-sơn. Thuyền Ngô nhân gió mà tiến. Phó Quán lánh đi cho qua, rồi sau đuổi theo. Quân Ngô quay thuyền lại đánh. Phó Quán sai theo chiều gió tung tro bay mù làm cho quân Ngô không mở mắt được, đến khi thuyền ghe sát nhau thì Quán sai rắc cát ở thuyền mình mà vãi đậu sang thuyền Ngô. Đậu bị máu chảy thấm ướt, người Ngô dẫm lên đều ngã dài. Quán nhân phóng lửa đốt, thuyền Ngô cả thua.

Thuận dòng thắng ngược dòng. Như Thần Phúc nước Ngô từ Ngạc-châu xuôi phía đông, Điền Quân
2 sai tướng là Vương Đàn và Uông Kiến đem thủy quân đón đánh. Thần Phúc bảo các tướng rằng: “Quân nó nhiều quân ta ít, nên dùng kỳ mà đánh”. Thần Phúc giả cách thua chạy, đem thuyền ngược dòng mà lên, Đàn và Kiến đuổi theo. Phúc lại thuận dòng mà đánh xuống, nhân gió buông lửa, Đàn, Kiến cả thua.

Phòng mắc cạn. Ngô Quyền nước Việt ta cất quân đánh Công Tiễn ở Giao-châu. Chúa Nam Hán sai con là Hoằng-thao đem quân cứu Công Tiễn. Quyền đem quân đón đánh. Trước đã đóng ở cửa biển nhiều cọc lớn vót nhọn đầu và bịt sắt, sai thuyền nhẹ nhân nước triều lên ra khiêu chiến mà giả cách thua chạy. Phút chốc nước triều xuống, thuyền quân Hán đều mắc cọc sắt mà không trở lại được, quân sĩ đắm chết già nửa.

Phòng lửa. Trát bùn buộc gỗ để chống lửa.
______________________________________
1. Chu sư là quân đi thuyền, tức thủy quân.
2. Điền Quân đời Đường, làm quan đến thái bảo, sau mộ quân đánh Thăng-châu (tức là Kiến-lăng phủ ngày sau) thất bại.

CHIẾN THUYỀN.

Thuyền máy thần phi
1. Hình dáng như thuyền biển, chu vi dùng da trâu sống để che, hoặc chẻ tre đan phên để đỡ tên đạn, ở trên thì để cửa bắn súng và lỗ bắn tên, chia làm ba tầng thượng, hạ, trung, ở đuôi thuyền để một khoang kín để thông trên dưới, tầng giữa thì chứa dao và đinh, hai bên thì đặt mái chèo hay bánh xe, cỡi sóng rẽ gió, đi lại như bay. Thủy thủ thì dùng người lội giỏi. Gặp giặc giả cách thua, bỏ thuyền cho nó. Tinh binh thì phục ở dưới khoang kín. người lội giỏi thì nhảy xuống nước mà chạy, đợi giặc mới mở máy thuyền, thì nhào vào trong tầng giữa, dỡ dao đinh ra mà đánh, giặc tất bị giết hết. Nếu xông vào thuyền giặc thì hai bên thuyền ngầm phục súng nỏ, thế không ai địch nổi.
Hình 5. Thuyền bánh xe

Thuyền mẹ con. Dài 3 trượng 5 thước, phần trước 2 trượng dáng như cái thuyền thúng, phần sau 1 trượng 5 thước, chỉ che ván hai bên, trong lòng rỗng không, đằng sau giấu một cái thuyền nhỏ thông liền ba chỗ, cũng có đậy ván che người, hai bên bốn mái chèo. Thuyền mẹ phía trước không để mái chèo, trong khoang chỉ chở cỏ củi và đặt thuốc súng, hai bên nách đầu thuyền đều dùng những đinh răng sói, lưng thuyền thì dựng những thanh gang sắc nhọn. Một khi đụng thuyền giặc thì lấy móc và dây cột liền vào thuyền giặc, rồi phát hỏa đốt thuyền cho cùng cháy với thuyền giặc. Quân ta ra sau mở thuyền con quay về.
Hình 6. Thuyền mẫu tử
______________________________________1. Gần như thuyền bánh xe của Võ bị chế thắng chí, quyển 13.

Thuyền liên hoàn. Thuyền ước dài 4 trượng, ngoài trông như một thuyền, nhưng chính chia làm hai thuyền, trong có vòng móc liền nhau. Phần trước thì chở các thứ hỏa pháo, thần yên, thần sa. Mũi thuyền thì đóng mấy cái đinh to đầu quặp, đặt súng xoay về trước. Phần sau thì hai bên đặt mấy mái chèo. Hoặc nhân gió thuận, hoặc từ thượng lưu rảo tới dinh giặc, lấy đinh ở mũi thuyền đâm vào thuyền giặc, phần trước tự mở vòng ra để cho phần sau trở về. Nhân lúc quân giặc sợ hãi, dùng khí giới mà đánh. Đó là một chước kỳ trong thủy chiến.
Hình 7. Thuyền liên hoàn

Vòng là hai cái khuyên sắt đóng vào phần trước và phần sau, dùng móc móc lại với nhau. Khi thuyền đụng vào thuyền giặc thì móc buông ra, để cho phần sau trở về bản trại.

Bè gỗ. Đốt thuyền địch chẳng gì bằng lửa, phá thuyền địch chẳng gì bằng súng, nhưng súng lớn dùng ở trên thuyền sợ chưa hại được người mà đã hại mình trước, súng miệng to bằng miệng bát trở lên thì không dám bắn. Nay nên chế bè gỗ, không kể bao nhiêu cỗ. Dùng gỗ đều đặn, dọc ngang bằng nhau, gió không thể lật, nước không thể chìm, trên đặt giá gỗ rất bền chắc, lượng tính cao hơn thuyền địch, để ở chỗ hiểm mà bằng phẳng như ở mặt thành, dưới đóng cọc gỗ để ghi dấu, dùng súng nhắm đường giặc đến mà bắn, tính chỗ bắn đến là bao nhiêu bước cũng đóng cọc để ghi dấu. Thuyền chiến phải ở sau bè ngoài 50 bước để phòng. Trên bè phải dùng chăn bông che ở đằng trước. Đun cả 20, 30 cỗ bè bày hàng chữ nhất, thuyền giặc trông xa, không khác gì bức tường thành, không lường được hư thực. Rình xem thuyền giặc hễ sắp vào trong chỗ ván nổi đánh dấu cọc của ta thì bấy giờ bỏ chăn bông rớt xuống, người bên thuyền chạy sang giữ bè cho ngay lại, rồi dùng các thứ súng nhắm chỗ giặc mà lần lượt bắn. cứ 2, 3 cái bè bắn một loạt. Thuyền giặc không thể không bị thương. Có thể chống được, có thể giữ được, đó là phép thủy chiến phải cần.

Sắc cờ. Mỗi thuyền có một lá cờ to, đều dùng vải đen, một là để tiện thấy ở xa, hai là để hợp với tính nước. Lại dùng vải trắng lấy một chữ của tên trại viết to lên mà đính vào lòng cờ, đều chiếu theo sắc các phương mà chế dải cờ. Mỗi đội phải có một lá cờ dài nhỏ, đều chiếu theo hiệu của thuyền mình mà làm sắc dải cờ. Mỗi thuyền cờ lớn một lá. Tiền ty dùng dải hồng; tả ty dùng dải lam; hữu ty dùng dải trắng; hậu ty dùng dải đen; trung ty dùng dải vàng; trung trung ty dùng hai dải vàng.

Thợ lái. Tính mạng của cả một thuyền quan hệ ở tay người lái. Tất phải lựa chọn những người lớn tuổi, thông thạo, giỏi xem chiều gió, am hiểu thế nước mà sung vào. Lại đặt người phó để phòng sự sơ hở. Lương thì cho khá, có công thì thưởng thêm.

Lính thủy. Bọn trộm cướp miền biển đều kén dùng được cả. Thứ nữa đến những người thủy thủ có tài, như người đánh cá có thể sáng xuống nước chiều mới lên, ban ngày dùi thuyền địch cho chìm đắm, ban đêm rút dây làm cho quân địch mất hàng ngũ. Thứ nữa đến những người bán muối lậu ở Nam-trực
1, người và thuyền đều nhanh nhẹn, tập quen sóng gió, ban đêm ngầm đi, chèo lái như bay, dùng để ra quân kỳ, vào dinh giặc mà trinh thám, đó cũng là một chước hay vậy. Hoặc lặn đi dưới nước lấy sào đụng lưới (như Tư-mã Phúc)2, lặn xuống đáy nước dùi đắm thuyền lương của người Kim (như Lưu Ỷ)3. Tống Trương-vĩnh nhờ nước mà tới thành Sính4.

Phép đánh thủy chiến, liều chết đánh giặc ở trên thuyền, không bằng chế ngầm giặc ở dưới thuyền. Vì chọi sức còn có được thua, chứ dùng kỳ thì giữ được vạn toàn; phá quân của giặc, không bằng phá được thuyền của giặc, mà thu công toàn ở người lặn nước. Người làm tướng nên kén chọn trước, nuôi vỗ cho hậu, luyện tập cho riết, để phòng bất thần dùng đến. Một hồ nước ở giữa dòng đáng giá nghìn vàng là thế đó.

Mui buồm. Việc chế tạo trong thủy chiến, không gì trọng yếu bằng mui và buồm. Một khi mui buồm thấm phải thuốc súng thì tính mệnh ba quân cũng chẳng còn. Phải dùng “tấn thạch phong”(?) sấy khô hòa thành nước, rồi đem các thức tre lá, dây thừng, gai vải mà tẩm vào, phơi khô rồi lại tẩm, kỳ cho thật thấu, rồi dùng để đan dệt làm mui và buồm, viết to bốn chữ phi long thiên binh làm hiệu, thế thì các loại tên lửa, cầu lửa đều không thể phạm vào. Quân ta giữ được không lo, có thể tiến đánh được giặc.
_______________________________________
1. Các tỉnh Quảng-nam, Quảng-ngãi.
2. Lấy sào đụng lưới: Tư-mã Phúc là thủy binh nước Việt thời Xuân thu. Trần Chương (tướng Ngô) vây Tô-châu, làm rào phên dưới nước, quanh bọc lấy thành, chăng lưới dưới nước trên đầu lưới đeo cái chuông con để chắn những kẻ lặn dưới nước. Phúc tài lội nước, trước hãy lấy cần tre động vào lưới, quân lính thấy tiếng chuông kêu, cất lưới lên, Phúc nhân lúc cất lưới lên, lặn vào thành, trong ngoài đánh ập vào.
3. Đục thuyền lương của người Kim: Đời Tống Cao-tôn, Kim chúa là Lượng đem 60 vạn quân sang đánh Tống, người Kim lấy chăn chiến bọc thuyền chở lương đến. Lưu Ỷ sai người lặn xuống nước đục thủng thuyền cho thuyền chìm.
4. Thành cũ của Sính huyện thuộc huyện Giang-lăng tỉnh Hồ-bắc ngày nay.


*
*   *

Áo lội nước. Phép làm giáp trụ đối với thủy chiến rất cần. Nền dùng lụa nhỏ lót trong; vỏ bầu làm giáp ở ngoài kết như vảy cá, trước dùng nước phèn mà tẩm phơi khô để dùng; hoặc dùng lông ngan lông ngỗng, kết dày vào làm áo giáp, để nổi trên mặt nước mà đi, cưỡi sóng rẽ gió, nước không thể nào chìm đắm được.

Sách Võ kinh có những cách dùng túi da dê và chum nổi.

Phép giữ dái, giữ gót chân. Dùng gáo dừa và quả bầu sơn đen để giữ bìu dái, dùng dây lụa buộc vào lưng; dùng lụa sơn đen bọc gót chân. Vì là bìu dái và huyệt dũng tuyền ở đáy gót chân hễ vào nước thì đỏ như lửa, loài cá ác và thủy thú trông thấy sáng thì đến làm hại tính mệnh; che bịt lại thì không sáng rõ ra, sẽ khỏi hại, đó cũng là việc thủy chiến phải nên phòng bị.

Ngựa nước. Dùng mây đan một con ngựa nước, lưng dáng như cái đấu, dưới có bốn chân, đặt ngang trên mặt nước, đầu cao một thước để ngăn sóng đằng trước, đuôi cao một thước để ngăn sóng đằng sau. Ở giữa thì rỗng, ngoài dùng vải bọc và sơn cho bền. Xỏ một cái dây cương để người cưỡi ở trên tiện sai khiến; ở ngoài đầu ngựa thì để một đoạn rỗng để chứa lương khô, có thế thì người đều được mạnh gan. Ngựa nước không nặng, trong thuyền dễ chở. Lại dùng bông để bọc, trên lấy mảnh vỏ bầu làm giáp. Bầu dùng để nổi; bông dùng để xuống nước có thể chống được tên đạn. Ở bên thì gác một cài chèo bằng gỗ cứng, đầu dùng sắt làm đao, có thể làm chiến cụ, trong cán chèo gỗ ấy để một con dao nhỏ phòng khi cần dùng, tuy thuyền có bị chìm mà rơi xuống nước cũng còn có thể đánh được. Ngựa nước này cũng dùng như cái phao ngày nay, không sợ chết đuối. Nước Nam ta dùng quân thủy chiến, thường lấy mây đan cái phao, khúc giữa nhỏ mà đầu đuôi lớn, sơn đen, trong rỗng, để sẵn trong thuyền phòng khi chìm đắm, tục gọi là quả nổi, nhưng không hay bằng ngựa nước này.

Dầu đá. Tỉnh Tứ-xuyên có dầu đá
1, nếu lấy dầu đá hòa thuốc tạo thành những cục thuốc tthì có thể cháy trong nước mà không tắt.
____________________________________
1. Tức là dầu hỏa.

Quạ già nước. Xưa giặc cỏ là bọn Lưu Thất đậu thuyền ở núi Lạng-sơn. người ở châu Tô dâng kế dùng hỏa công gọi là quạ già nước, để thuốc và lửa vào súng mà xuống nước bắn. Lại chế một thứ bình mỏ quạ, cầm mà lặn xuống nước, dùng mỏ dùi thuyền mà có máy cho nó tự vận chuyển để dùi cho thuyền chìm. Đã dùng thử phá được một thuyền, giặc sợ bảo là thần binh ở Giang-nam có thể lặn nước mà phá thuyền, phải bỏ thuyền lên bờ, bèn bị quân đồn thú đuổi bắt.

Hỏa công. Đại phàm thủy chiến thường chuyên dùng hỏa công. Xưa Tào Tháo đánh Ngô Chu Du và Lưu Bị, gặp nhau ở Xích-bích. Tướng Chu Du là Hoàng Cái lấy thuyền mông xung mười chiếc chở lau và củi khô, rưới dầu vào, che bằng màn trướng, dựng cờ xí, dự bị đầy đủ thuyền nhỏ buộc ở sau. Bấy giờ gió đông nam thổi mạnh. Cái cho mười chiếc thuyền ấy chạy ra giữa sông, giương buồm lên, chạy thẳng đến Xích-bích, các thuyền nhất tề đốt lửa, thuận gió tràn vào thủy trại của Tháo. Cùng với thủy trại, dinh trại trên bờ đều cháy, khói lửa rực trời. Bọn Du đem quân khinh kỵ tiếp sau. Tháo thua chạy trốn.

Lại Trần Hữu-lượng vây Nam-xương, bọn Du Thông-hải tự phía tây đến viện. Hữu-lượng ra hồ Bà-dương để đón đánh. Thông-hải nhân gió, cho cho bảy chiến thuyền chở cỏ và thuốc súng xông vào trại nước của địch, đốt chiến hạm mấy chục chiếc bắt được Hữu-nhân và Hữu-quý. Bấy giờ thuyền vào sâu trong trại địch mà hăng đánh, ngờ là đã mất ở trong lúc đánh nhau, phút chốc phơi phới quanh ra ở bên thuyền địch, quân ta trông thấy cả mừng, nhảy la sấn tới. Quân địch cả thua.

Âu dương Ngột giữ Lĩnh-nam làm phản, tướng Trần là Chương Chiêu-đạt đánh. Ngột nghe tin, ra đóng ở Nhai-khẩu, chứa nhiều cát đá vào lồng tre, đặt ở ngoài rào phên để chặn thuyền ghe. Chiêu-đạt sai quân ngậm dao lặn xuống nước để chặt lồng, những khung lồng đều tung ra hết, nhân đó thuyền lớn nối đến, theo dòng nước mà đánh. Cuối cùng giặc thua.

Hàn Thế-trung nhà Tống chống nhau với quân Ngột-truật nước Kim. Hoàng Thiên-đãng và Thế-trung dùng thuyền biển đi theo thuyền địch đậu ở dưới núi Kim-sơn. Ngột-truật thấy thuyền biển nhân gió đi lại như bay, nói rằng quân Nam điều khiển thuyền như điều khiển ngựa thì làm sao được. Một người hiến chước: Đất Mân
1 có người họ Vương dạy cách chở đất vào thuyền, dùng ván mà ngăn, bên thuyền buộc chèo, đợi gió im thì ra biển; thuyền biển không gió thì không động được, sẽ lấy tên lửa bắn vào mui thì không đánh địch cũng vỡ. Ngột-truật khen phải. Trời tạnh gió im. Ngột-truật ngồi thuyền nhỏ ra sông. Thế-trung chặn dòng mà đánh. thuyền biển không có gió thì không động được. Ngột-truật sai người bắn giỏi ngồi thuyền nhẹ dùng tên lửa bắn. Khói bốc mù trời. Quân Tống cả thua.

Thủy chiến kiêm dùng lục quân. Thủy chiến lấy thuận gió làm thế, lấy trên dòng làm thế, lại mưu cắt nước, mưu vượt nước. Xưa nước Tấn đánh nước Ngô, chiếu cho Vương Tuấn làm thuyền ghe. Người Ngô làm xích sắt ngăn sông và làm dùi sắp đặt ngầm ở lòng sông. Tuấn biết tình trạng ấy, bèn làm mấy chục cái bè lớn, vuông hơn một trăm bước, buộc cỏ làm người, sai người giỏi lội đem bè đi trước, dùi sắt bèn vướng bè mà bị kéo đi. Lại làm bó đuốc lớn, dài hơn mười trượng, vòng vài chục ôm, tưới dầu vừng để ở trước thuyền, gặp dây xích thì lấy đuốc đốt cho cháy đứt, thuận gió khua chèo, ra tới núi Tam-sơn.
__________________________________
1. Tỉnh Phúc-kiến.

Lương Giá-hoàn đánh thành Đức-thắng nam1 của nhà Tấn, trăm đạo quân đều tiến, dùng chạc tre buộc liền hơn chục chiếc thuyền mông xung với nhau, căng che bằng da trâu, rồi đặt khung giá, dáng như cái thành chắn ngang dòng sông để ngăn cứu binh của Tấn, không cho sang sông. Vua Tấn tự dẫn quân đến cứu, bày trận ở bờ bắc mà không tiến được, bèn chứa vàng lụa ở trong quân để mộ người phá thuyền mông xung. Có tướng là Lý Kiến xin liều chết để phá, chọn lấy quân cảm tử 300 người, mặc giáp cầm búa, ngồi thuyền mà tiến. Khi sắp đến thuyền mông xung thì bị tên bắn như mưa. Kiến bèn sai những người cầm búa xông vào thuyền mông xung, lấy búa chém chạc tre; lại dùng chum đan chở củi tẩm dầu đốt lửa cho tự thượng lưu kế tới, theo sau thì lấy thuyền lớn chứa đầy chiến sĩ, khua trống reo hò mà đánh. Thuyền mông xung đã đứt rồi, cháy mà theo dòng trôi xuống. Quân Lương bị chết cháy và chết đuối tới gần nửa. Hoàn giải vây chạy.

Hoàn Hộ-chi nhà Tống làm thái thú Chung-ly
2, theo Vương Huyền-mô đánh Hoạt-thành3. Hộ-chi đem trăm chiếc thuyền làm tiền phong, tiến giữ Thạch-tế4. Quân cứu của Ngụy sắp đến, chạy thư khuyên Huyền-mô kíp đánh. Huyền-mô không theo. Huyền-mô thua mà lùi, không rỗi báo cho Hộ-chi biết. Quân Ngụy lấy ba lớp xích sắt chặn ngang sông, cắt đường về của Hộ-chi. Nước sông đương rút xuống mau. Hộ-chi theo giữa dòng mà xuống, mỗi khi đến chỗ xích sắt thì dùng búa dài cán mà chém đứt, người Ngụy không dám đến gần, nên chỉ mất một chiếc thuyền thôi, thuyền khác đều còn cả.
Hình 8. Thuyền mông xung

Tướng Trần là Ngô Minh-triệt đóng quân ở Lữ-lương
5. Tổng quản Từ-châu nhà Chu là Lương Sĩ Ngạn đánh mãi không thắng. Minh-triệt đắp đập nước ở sông Thanh-thủy cho nước về thành, rồi bày chiến thuyền ở dưới thành. Vương Quỹ làm hành quân tổng quản đem quân tới cứu, dẫn quân đi tắt giữa cửa Hoài-khẩu, sai Đạt Hề và Trường Nho lấy nhiều khóa sắt lớn nhỏ xỏ suốt qua bánh xe buộc vào đá lớn mà bỏ chìm xuống sông Thanh-thủy, cắt ngang đường về của thuyền Trần. Minh-triệt phá đập mà vội vàng lui, định nhân nước lớn mà vào Hoài-bắc, nhưng đến Thanh-thủy thì dòng sông đã rộng, thế nước cũng kém, thuyền vướng bánh xe không qua được. Quỹ nhân đem binh kỳ ra, thủy lục cùng tiến mau, vây mà đánh ngay. Tướng sĩ hai vạn người và khí giới xe lương của Trần đều bị bắt cả.

Phàn Nhược-thủy tính bề sông rộng hay hẹp, đến thành Biện
6 dâng thư xin đóng cầu phao để chở quân, cầu xong, quân Tống sang sông như đi trên đất bằng. Đời sau làm cầu phao để sang quân là bắt chước từ đó.
_______________________________________
1. Ở tỉnh Trực-lệ.
2. Quận Chung-ly do nhà Tấn đặt, quận trị xưa ở huyện Thượng-dương tỉnh An-huy ngày nay.
3. Tức là kinh đô của nước Nam Yên thời Tấn; ở Hoạt-huyện tỉnh Hà-nam, cũng gọi là Hoạt-đài thành.
4. Thuộc tỉnh Hà-nam.
5. Thuộc tỉnh Giang-tô.
6. Tức là Biện-kinh, đất huyện Khai-phong tỉnh Hà-nam, kinh đô của nhà Tống.


*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:

Phép đi gặp khe. Phàm khi gặp khe bị nước không thể sang được, thì tìm nơi tiện, lấy dây buộc tre làm đò mà sang, đó là phép gặp khe vậy.

Phép thuận gió. Phàm gặp thuận gió thì binh chính cứ thắng tiến, binh kỳ ở bên. Ở hạ lưu hẳn là địch dùng dây chạc để chắn ngang. Nếu dùng hỏa công mà phóng xuống thì rất hiệu.

Phép ngược gió. Phàm gặp ngược gió thì chia làm ba quân: một quân làm binh chính, một quần làm binh kỳ để tiếp binh chinh, một quân thì lên bờ kênh mà bắn để chống binh kỳ của địch, thế là để tránh đầu gió.

Phép gặp sóng gió. Phàm đi gặp sóng, thì tùy theo chiều gió mà tiến lên; thậm quá thì bỏ mui trên đi, như thế thì đánh là phải thắng.

Phép bị nước cạn. Phàm bị nước cạn ở trong kênh thì đắp bờ chia kênh ra làm hai chi, làm cho một chi nước và một chi cạn, rồi theo cửa mà vượt sang.

*
*   *

Sách Võ kinh:

Hỏi: Gặp địch ở nơi nước lớn, trong chốc lát xe cộ ngựa thuyền chưa biện được, tiến thoái không được thì làm thế nào?
1 - Trả lời: Đây là thủy chiến, không dùng xe và ngựa, nên để lại bên, lên cao trông cả bốn phương, biết được tình hình nước rộng hẹp sâu nông mới có thể dùng kỳ sách mà đánh. Nếu địch vượt nước mà tới thì để nó sang nửa chừng mà đánh. Đó là phép thủy chiến vậy.

Hỏi: Đằng trước có nước to, quân ta muốn sang mà không có sẵn thuyền ghe, quân địch lấp mất đường về của ta, quân xích hậu của nó canh luôn, những nơi hiểm trở bị giữ hết, quân dũng sĩ thì đánh ở trước sau, ta làm thế nào? - Trả lời: Thế thì phải chia quân làm ba xứ, sai tiền quân làm hào sâu luỹ cao, để tỏ là cố giữ, sai hậu quân dự chứa lương thực nhiều khiến nó không biết được ý ta, rồi cho nhuệ sĩ của ta đánh úp ở giữa, đánh lúc không ngờ, đánh chỗ không phòng, không cách nào diệu bằng thế. Nếu địch hiểu được tình ta, biết được việc ta, mai phục ở nơi cỏ rậm để đánh vào chỗ tiện của ta, thì khiến tiền quân khiêu chiến cho nó nhọc lòng, khi ở tả, khi ở hữu, nó không biết lối nào mà giữ, phải sợ, rồi ba quân đánh gấp thì địch hẳn thua. Đó là phép đột vi
2 vậy.

Hỏi: Vào sâu đất địch, cùng địch chống nhau mà bị trời mưa dầm hàng tuần không thôi, hào rãnh tất sụt lở, canh phòng tất trễ nải, ba quân không phòng bị, quân địch đêm đến, trên dưới đều loạn, ta liệu cách làm thế nào? - Trả lời: Phàm ba quân phải lấy răn giữ làm bền, lấy lười biếng làm thua. Nếu trời mưa dầm, nên sai quân ta đặt xích hậu ở xa, trong ngoài trông nhau, dặn dò ước hẹn, nếu địch đêm đến thì hoặc cho quân nhuệ sĩ ra đánh. Nếu địch biết ta giữ mà phục quân rồi giả cách chạy để đánh tiền quân ta, thì ta chia làm ba quân theo mà đánh, đừng theo chỗ phục của nó, có thể đánh cả trước sau, hoặc hãm cả hai bên; phát rõ hiệu lệnh mà đánh gấp. Quân địch hẳn thua.
_______________________________________
1. Xem Võ kinh trực giải.
2. Đột vi: Xông phá vòng vây.


*
*   *

Sách Võ bị chế thắng chí
1:

Phàm đánh thủy chiến tất phải tranh chiếm lấy đầu nước đầu gió để dùng hỏa công. Như ở dưới nước và dưới gió mà ta lo bền giữ, thì hoặc dùng cầu phao xích sắt để chặn đường, hoặc lui vào đường ngã ba sông để tránh, hoặc tìm con đường khác để vượt lên thượng lưu, hoặc không có ngã ba sông thì phải đánh ở trên bờ là hơn.

Hổ kiềm kinh nói: Binh pháp bảo dùng nước giúp việc đánh thì mạnh. Khéo dùng nước có bốn cách: l) nhân; 2) nghịch; 3) tặc; 4) tuyệt.

Nhân nước thì có hai cách dùng: hoặc địch chặn giữa dòng mà làm rào phên thì ta ở trên dòng, nhân gió thuận, đua chèo mà phóng lửa, thuận gió xông xuống. Rào phên vỡ rồi mà gặp gió chuyển thì dừng lại. Nếu địch ở dưới mà quân và ngựa nhờ nước ấy, thì ta ở thượng lưu có thể đánh thuốc độc được. Đó là hai cách nhân vậy.

Dùng nghịch thủy là: Phải làm đê cao để chắn ở dưới, cho nước chứa đầy ở trong, rồi dẫn mà giội xuống. Thế gọi là dùng nghịch thủy.

Dùng tặc thủy là: Nếu địch nhờ nước thì nên ngầm dùng nước để đánh, biết được địa lý, ngầm làm mương mà dẫn nước chảy đi nơi khác, giặc hết nước để nhờ. Thế gọi là tặc thủy.

Dùng tuyệt thủy là: Hoặc lấy củi lấp ở trên, đem đá chứa đầy thuyền đánh chìm ở trên, rồi làm mương dài cho nước chảy đi, hoặc làm túi cát chất ở thượng lưu để chặn nước. Khi muốn có nước thì phá túi cát đi. Thế gọi là tuyệt thủy.

Phép dùng nước, có đất không thể dùng được mà dùng thì trái lại bị hại, thuận thì lợi.
_____________________________________
1. Xem Võ bị chế thắng chí, quyển 13.

Phàm thủy chiến, lấy thuyền tàu lớn nhỏ làm bậc. Chở được người nhiều ít đều lấy gạo làm chuẩn. Một người chẳng qua nặng bằng 2 thạch gạo. Buồm chèo tiện nhẹ thì hơn. Lấy chiêng trống cờ xí làm nhịp tiến lui. Thuyền chiến thì có lâu thuyền, đấu hạm, tẩu kha, hải cốt. Thuyền ngầm úp thì có mông xung, du đĩnh. Khí cụ thì có phách can1, dùng rất có lợi, thuận dòng mà đánh. Các quân nhìn vào cờ của đại tướng ở đằng trước. Nghe trống thì tiến, cờ dựng lên; nghe chiêng thì dừng, cờ cuộn lại thì về.
Hình 9. Lâu thuyền

Nếu các thuyền tiên phong du dịch bị giặc vây mà cần có ngoại viện, thì hễ thấy cờ đỏ của đại tướng quân hướng vào giặc mà điểm thì tiến. Mỗi một điểm thì một thuyền tiến lên. Cờ đằng trước không dựng nữa là thuyền chiến rút lui; cờ hướng vào trong mà điểm, mỗi điểm thì một thuyền lui.
Hình 10. Đấu thuyền

Nếu trương nghi binh, thì ở cửa sông vàm sông phải rộng đặt cờ xí buồm lèo để đánh lừa. Đó là nói đại lược vậy
2.
Hình 11. Tẩu kha

Thuyền mông xung dùng da trâu phủ lên lưng thuyền, tả hữu mở lỗ để luồn chèo, tên đạn không thể nào làm thủng. Trước sau tả hữu đều có lỗ bắn nỏ và lỗ đâm giáo, địch tới gần thì bắn. Không dùng thuyền to, chỉ cần nhanh chóng để thừa lúc người ta không đề phòng.
Hình 12. Hải cốt

Thuyền tẩu kha là thuyền ở trên sạp có làm nữ tường, có nhiều phu chèo, quân chiến đều kén người dũng lực tinh nhuệ sung vào, đi lại như bay, thừa lúc người ta không theo kịp. Chiêng trống cờ xí đặt ở trên.
Hình 13. Du đĩnh
______________________________________1. Cây sào để đập.
2. Xem thêm Võ bị tổng yếu, Tiền tập; quyển II.

Thuyền khai lãng của Thích Kế-quang, vì đầu nhọn mà đặt tên. Thuyền ấy ăn nước chừng 3, 4 thước; bốn cái chèo, một cái chèo lái; hình như chim bay; trong có thể dùng 30 hay 50 người; không kỳ nước thuận hay nghịch.

Hình 14. Thuyền khai lãng

Thuyền chài ở trong các loại thuyền là loại rất nhỏ, gỗ làm rất giản, công làm rất nhẹ, mà dùng thì rất hay. Sao vậy? Vì nó ra biển, mỗi cái chở 3 người, một người cầm buồm vải, một người cầm chèo, một người cầm súng mỏ chim, buồm vải nhẹ nhàng, không lo chìm đắm, dễ tiến dễ thoái, theo làn sóng mà lên xuống, thuyền địch vời trông không kịp, cho nên đi biển có lợi lắm, bắt được giặc phần nhiều nhờ sức nó. Thuyền này, ở miền duyên hải một dải Định-hải, Lâm-quan, Tượng-sơn đều có cả. Hình như cái thoi, cột buồm tre, cánh buồm vải, có thể dùng được 2 người. Xông gió cưỡi sóng, chuyên ra đại dương. Có khi vào núi
1 lấy thóc, hái củi, dỡ khoai và đánh cá, thuyền đến chân núi, 2, 3 người khiêng thuyền để trên ghềnh bãi để lánh sông gió. Nếu muốn trở về tây thì khiêng thuyền xuống nước. Không thể chống được địch, nhưng có thể dùng để tuần dò. Đó là loại thuyền chài nhỏ nhất.

Hình 15. Thuyền đánh cá
_______________________________________1. Các đảo ngoài biển.


*
*   *

ĐỒ DÙNG TRÊN THUYỀN
1

Thùng gỗ. Một chiếc thùng gỗ đựng thuốc thô hoãn
2 5 cân, bát sành thô dày một chiếc, than gỗ thực dụng 2 lạng, phòng đốt làu tiêu hao 2 lạng, thuốc súng cũ, đổ cả xuống thuyền giặc, đó vốn là chước hay. Nhưng lại phải dùng đồ hỏa khí khác hay than lửa mà ném vào để cho cháy thuốc. Ví trong chốc lát thuyền phải dời đi, người ta thường ném lửa vào trong nước, hoặc là bị giặc đuổi mà lửa chưa kịp ném hoặc lỡ dội nước vào ướt thuốc lửa không cháy được, như thế đều là chưa trúng khớp cả. Duy có đồ hỏa khí và thuốc súng cùng ném một lúc, không trước không sau, là có thể làm cho nổ được muôn dùng muôn trúng.

Hình 16. Thùng lửa

Cái câu liêm. Trong thuyền hoặc để cắt dây lèo, hoặc để móc thuyền, hoặc để cắt dây. thừng ở sàn, không thiếu được. Nên dùng cán tre dài mà nhẹ, lưỡi cong mà sắc (cán dài 1 trượng 5 thước, lưỡi rộng 1 tấc).

Hình 17. Câu liêm

Cái móc treo. Thuyền ta muốn đánh đắm thuyền giặc thì dùng cái này; hoặc móc thuyền lại không cho đi, hoặc móc dây lèo buộc vào sàn, trong thuyền không thể thiếu được. Nên làm móc cho to, chân cho bền, vài mươi người kéo hay móc hàng muôn cân mà không oằn thì mới tốt. Cán móc phải dài, tay cầm khó móc cho đúng được, nên dùng 3 móc một cán, móc thì mắc ngay (dài 1 trượng 5 thước, ba móc một cán)

Hình 18. Móc treo ba móc một cán.

Lưới cá. Vặt này phàm lâu thuyền và thuyền có nữ tường thì không dùng; thuyền ván không có nữ tường thì dùng; đặt theo ở ngoài thuyền hai bên tả hữu để phòng quân giặc nhảy vào. Nếu có mấy tầng cho dày thì cũng có thể phòng tên và mũi thương, duy súng thì không thể ngăn được. Dọc thuyền không thể dùng ván gỗ cho nên phải dùng vật này. Như chỉ có 2, 3 tầng thì thế mỏng thưa, khó bề che chở, chẳng thà không có. Các chiến thuyền phần nhiều nhờ nó. Thuyền có nữ tường cũng treo vài bức, nhưng chỉ làm hư văn, không đủ trông cậy.
_______________________________________
1. Vẫn trích Võ bị chế thắng chí.
2. Tức thuốc súng nổ chậm.

*
*   *


Qua nước
1.

Phàm đến đất lạ phương xa, thế nước hiểm ác và có các loài thuồng luồng thủy quái, quân lính sang qua thì nên trước được người hướng đạo mà hỏi dò, để phòng liệu trước.

Phàm sắp sang sông, trước phải bày hàng ở bốn mặt trên bờ, rồi sai người leo cao trông xa, cho quân kỵ đi dò xét, đề phòng giặc đánh úp, sau mới chia ra từng đội mà sang.

Phàm sang sông, chiến đội phải lên bờ trước, kềm ngựa làm trận vuông, cũng sai người lên cao trông xa như trước.

Phàm gặp khe ngòi nhỏ, có thể chặt cày cành bên nước lấy dây mây buộc lại thành bó, đẩy đặt vào trong nước, khiến trước sau chất chứa và kéo nhau, có thể sang được.

Bè sậy. Bè sậy, lấy cây sậy bó to vòng 9 thước, tráo trở đầu đuôi làm mười bó,. buộc lại như bó giáo, tính chiều dài ngắn mà làm; không có sậy thì dùng lau cũng có thể nối mà sang được.

Hình 19. Bè sậy
________________________________________1. Vẫn xem Võ bị chế thắng chí.

Dây bay. Dây bay, mộ những người giỏi lội nước, mình bơi trên nước buộc dây vào lưng, lội trước sang sông mà kéo dây to qua, hai bên bờ dựng cột lớn buộc chắc dây vào đó; khiến người kẹp dây vào nách mà lội qua, khí giới thì đội trên đầu. Như đại quân thì có thể làm vài mươi cái mà sang.

Hình 20. Dây bay

Túi phao. Túi nổi là lột cả da một con dê, thổi hơi cho nó phòng lên, rồi thắt kỹ lại, buộc vào bên nách để lội qua sông.

Hình 21. Túi phao


Bè chum. Buộc chum lại làm thành cái bè, mỗi chum đựng 2 thạch thì sức đỡ được một người, các chum cách nhau 5 tấc, dưới buộc móc với nhau, kết thương ở trên, hình dài mà vuông, đàng trước đặt ván, đàng sau đặt giáo dài, hai bên tả hữu đặt chèo.

Hình 22. Bè chum

Bè giáo. Bè giáo, dùng giáo, mười cây làm một bó, sức vừa mang một người, lấy 5.000 cây làm suất, làm một cái bè; giáo làm thì rút lưỡi ra, tráo trở xếp ngang xếp dọc mà buộc lại, có thể chở độ 500 người; hoặc tả hữu đều buộc 20 cái túi nổi. Trước sai người giỏi lội nước bơi sang bờ kia dựng cột to, buộc hai sợi dây lớn ở hai bên bờ, để giáp trên bè, trên dây lớn lấy vòng gỗ hay vòng dây luồn vào, lấy dây buộc vào bè; đầu bè thì buộc dây khiến người ở trên bờ kéo, lấy dây lớn giữ lại để khỏi bị trôi giạt.
Hình 23. Bè giáo

*
*   *

Sách Thúy vi bắc chính lục:

Phép cấm lội ở sông hồ, không phải một cách mà đủ đâu. Sợ nông mà quân bộ kỵ có thể lội được, thì ta dùng sắt cong làm móc, buộc vào dây để kéo, gọi là tu câu
1 đụng phải là bị tử thương; dùng sắt thẳng để làm chông cắm ở dưới nước, gọi là thiệp châm2, đi qua đụng phải hẳn bị tàn diệt; bện tre làm dây mà kết gai vào, gọi là thủy mao vị3, để dùi vào da thịt của người lội qua; chắn nước bằng cái trục cắm đinh sắt vào, gọi là thủy phát lê4, để đâm vào đùi vế người lính thủy; đan tre làm nơm cắm ở nơi bùn lầy, gọi là dịch thuyên5, để làm đau bàn chân những người lội nước; chôn gỗ làm cựa đặt ở chỗ cát nông, gọi là kê cự6, để đâm vào gót chân người ta. Phàm sáu cách ấy dù có thác ghềnh, giặc cũng không có thể lội vào bờ cõi ta được! Sợ nước sâu mà thuyền lái có thể sang, thì ta cắm móc sắt ở trên phao nổi, gọi là phù câu7, gặp thuyền giặc thì đâm vào đáy có thể làm cho chìm; quăng chạc và lưới ở giữa dòng sông gọi là cự lỗ8, gặp thuyền giặc thì có thể quấn lầy mái chèo, hay là lấy bông xơ, lấy rơm rạ để cho quấn vào bánh lái thuyền, như thế thì chèo lái cũng khó; cắt dây leo, cắt dây mây mà bỏ cho thuyền giặc vướng không chèo được; bằng như thế nước chảy mạnh, thì dựng những cây sắc nhọn, khiến cho thuyền giặc không đục cũng vỡ; thế nước êm nhẹ, thì dựng dùi gối cong9, mà khiến ván thuyền không dùi cũng thủng; đặt dây kéo ở đáy nước, khiến thuyền giặc gặp phải thì thước tấc không thể dời đi, nhà binh gọi là thần kéo; thả dây ở nơi nước xoáy, khiến thuyền giặc qua đó bị vướng mà xoay chuyển nghìn vòng, nhà binh gọi là quỷ xoay. Phàm mười điều ấy, dù có thuyền ghe, giặc khó có thể đổ bộ lên bờ bến ta được. Sợ quân giặc có chum nổi phao nổi để đánh úp bờ bến ta, thì ta chế tre chế gỗ ở nơi ghềnh thác khiến giặc không thể dùng được. Sợ giặc làm cầu bay cầu phao để vượt đường sông của ta, thì ta tạo bài lửa, bè húc ở giữa dòng nước xiết khiến giặc không thể thi hành được. Sợ giặc buộc lau bó lách để sang sông, thì ta chặt gỗ làm “tra thủ mộc”10, dùi gỗ làm “tạo dác mộc”11 đặt ở chỗ sang nửa chừng, mà khiến cho vật giặc dùng không thể đi được. Sợ nó lần dây kết sào để sang thì ta ngáng gỗ để ngăn sông, kết gỗ để triệt sông, đặt vào lúc chưa sang, để khiến khí cụ của nó không thể đến được. Sợ bờ ta dễ lên thì ta dựng “phục ngưu giao mã”12 khiến thuyền giặc gần bờ mà không thể bước xuống được. Sợ ngòi hào của ta dễ thông, thì ta đóng cọc ngầm, khiến thuyền giặc không thể lướt qua mà thuận dòng được. Sợ thuyền giặc thừa gió mà tiến, thì ta ngáng gió chắn nước làm cho buồm giặc chịu chết. Sợ thuyền giặc kéo dây mà đến, thì ta có những sào ngáng cây chống để ngăn dây không thể qua. Thượng lưu cao mà hạ lưu thấp, thì ta chiếm lấy thượng lưu, đắp kè đập để đổ nước xuống quân địch. Thế địch rộng mà thế ta hẹp thì ta nhân thế hẹp mà đắp túi cát cho mất lối đi. Địch đến sát bờ thì ta làm bốn dây phiên xa13 để đánh vỡ thuyền. Quân địch lên bờ thì ta một mặt đánh ngầm để chộp quân nó.

Những cái lợi như thế cũng chẳng hay ư? Nhưng thắng là ở chỗ địch chưa kịp biết, mà bại là ở chỗ ta không giữ được bí mật. Sự cơ không cùng, nếu không giữ được bí mật, thì cái ta dùng để hại địch, địch lại lợi dụng được để hại ta. Công-tôn Thuật chống Sầm Bành, Thuật làm cầu phao và dây móc để chống dây thuyền của Bành, xem mẹo thì dáng như được đấy. Nhưng Bành biết trước, phóng lửa đốt cầu và dây móc nên quân Thuật phải thua. Thường Chiếu-đạt đánh Lĩnh-nam, giặc đan lồng tre đựng cát đá để chống thuyền ghe của Chiếu-đạt, trí không phải là không khéo đâu. Không ngờ Chiếu-đạt biết trước, sai quân sĩ cầm dao chém lồng nên quân địch phải vỡ. Người Ngô chống Tấn, có thể bảo là đắc sách, nhưng thuật dùng xích sắt ngăn thuyền bị lộ, mà không khỏi Vương Tuấn dùng bè lớn chất lửa đốt cháy. Đó đều là thua vì tiết lộ cả, cho nên cần phải bí mật.
______________________________________
1. Móc râu, tức chùm móc.
2. Chông lội.
3. Con nhím nước.
4. Cày do nước đẩy.
5. Cái nơm nhảy.
6. Cựa gà.
7. Móc nổi.
8. Chống mái chèo.
9. Dùi gối cong, túc là cái dùi làm hình cong như đầu gối bẻ cong.
10. Không rõ là cái gì.
11. Tức gỗ gai bồ kết.
12. Không rõ khí cụ gì làm theo hình tượng trâu và ngựa.
13. Không rõ thể chế thế nào.

VII – LÂM CHIẾN


Sách Võ kinh:

Võ vương hỏi: Như gặp phải rừng lớn, ta cùng địch chia rừng mà chống nhau thì làm thế nào?

Thái công nói: Khiến quân ta chia làm xung trận, tiện chỗ quân đóng, cung nỏ ở ngoài, mộc giáo ở trong, chặt phá cây cối cho rộng đường, để tiện nơi đánh; dựng cờ xí ở cao, hiệu lệnh cho ba quân không được cho người biết tình hình của ta. Thế gọi là lâm chiến. Rừng nhiều hiểm trở, phải đặt xung trận để phòng trước sau. Ba quân đánh mau, quân địch dẫu nhiều mà có thể đánh cho chạy. Vừa đánh vừa nghỉ, cứ theo từng bộ mà thay đổi nhau, đó là kỷ luật đánh rừng
1.
*
*   *

Sách Bảo giám:

Phép đánh rừng, ban ngày thì bày cờ xí, ban đêm thì đốt lửa đánh trống, lợi dụng đoản binh, khéo đặt quân phục, hoặc đánh ở trước, hoặc đánh ở sau. Phép đánh ở bụi rậm thì lợi dụng gươm và mộc. Nếu muốn đánh thì trước phải mở rộng đường sá, mười dặm làm một trường, năm dặm làm một xích hậu, ngả dẹp cờ xí, nghiêm giữ trống chiêng.

Cỏ cây rậm rạp thì lợi cho sự di động; rừng núi chồng chập thì lợi cho sự đánh không ngờ. Trời sáng rõ ràng thì lợi cho sự dùng sức mạnh; đường hẹp cỏ sâu thì lợi cho sự ngầm phục; lấy ít đánh nhiều thì lợi ở lúc buổi chiều; lấy nhiều đánh ít thì lợi ở sự thắng mau; qua vực cách sông, gió to mù tối, thì lợi ở sự đánh trước bắt sau.

Người đánh giỏi đời xưa, như chuyển gỗ đá, theo tính của gỗ đá, tròn thì đi, vuông thì đứng; đi không phải là hay đi mà đi, thế không thể không đi thôi; đứng không phải là hay đứng mà đứng, thế không thể không đứng thôi. Người đánh giỏi, đấu ở nơi sinh địa thì tản ra, gieo vào nơi tử địa thì đánh. Tản ra không phải là hay tản mà tản, thế không thể không tản thôi; đánh không phải là hay đánh mà đánh, thế không thể không đánh thôi! Đi hay đứng chẳng phải ở gỗ đá, mà do người khống chế. Tản hay đánh không phải ở người, mà là ở thế.

Sách Yên thủy thần kinh:

Phép đánh rừng. Phàm đánh rừng, thì nên mở rộng đường ta. Lợi cho việc đặt quân phục. Ra lệnh cho ba quân cẩn mật. Bày cờ xí ở chỗ cao để làm nghi binh.
___________________________________
1. Xem Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”, chương 43.



0 Comments:

Post a Comment

<< Home